Bảo bọc trẻ mồ côi
Bà K’Hiếu từng có thời tuổi thơ côi cút, lang thang, không nơi nương tựa. Từ 8 tuổi bà đã phải đi làm người giúp việc tại nhiều nhà. Lớn lên bà lập gia đình, nhưng không lâu sau đó chồng bà đột ngột qua đời, và đứa con trong bụng cũng không còn. Biết mình mất khả năng làm mẹ, nên khi hay tin có đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở xã, bà tình nguyện nhận làm con nuôi. Cũng năm đó, thêm 2 đứa trẻ nữa được bà cưu mang.
Cuộc sống nghèo đói, bà phải làm thuê, vất vả sớm hôm để các con được ăn no mặc ấm. Nhìn lại những tháng ngày gian khó năm xưa, bà không thể quên quãng thời gian dài mùa màng thất bát, bà phải đi vay từng nắm gạo về cho các con ăn. Dọn mâm cơm lên, để các con ăn trước, sau cùng bà mới vét những mảng cơm cháy còn sót lại nơi đáy nồi, chỉ đủ để lót dạ. Những ngày đông, Lâm Hà trở lạnh, nhiều đêm liền bà thức trắng trong căn nhà gỗ xập xệ, đốt lửa sưởi ấm, thắc thỏm lo cho từng đứa con thơ.
Có tuổi thơ cơ cực và chịu nhiều tủi nhục, nên bà nhất quyết dù nhà có nghèo mấy cũng lo cho các con được đến trường, không để các con phải bỏ học đi làm người giúp việc nhà. Duyên may đến với bà khi nhận được tình yêu và sự đồng cam cộng khổ của người chồng sau là K’Déo. Ông vừa là chỗ dựa tinh thần vừa là trụ cột kinh tế chính trong nhà. Tấm lòng ông cũng bao dung, nhân ái như vợ. Nhờ sự ủng hộ hết lòng của chồng, bà K’Hiếu lần lượt nhận nuôi thêm 6 người con nữa. Ông bà thương chúng như con đẻ, chăm chút nuôi dạy nên người. Các con đều được đến trường, nay 5 người con đã yên bề gia thất.
Mẹ đảm của thôn
Thật không dễ dàng để tận tâm chăm sóc đến 9 đứa trẻ như chính con ruột của mình. Chỉ có tình yêu thương mới đủ giúp bà K’ Hiếu vượt qua muôn vàn khó khăn suốt hơn 40 năm qua. Tấm lòng của bà càng khiến nhiều người mến phục khi ở tuổi 58 đôi vai người mẹ vẫn còn nặng gánh nuôi người con trai tuổi ngoài 40 mù lòa và người con út 16 tuổi bị thiểu năng. K’Niệm bị bỏ rơi tại bệnh viện, do sinh non nên mất khả năng nhận thức. Con bệnh tật, thiệt thòi, bà càng dành tình yêu thương nhiều hơn.
16 năm qua, tất cả đồ đạc có giá trị trong nhà bà đều đã bán đi để lo chữa trị cho K’Niệm, nhưng không hiệu quả. Đều đặn mỗi ngày 3 cữ ăn và vệ sinh cá nhân cho K’Niệm đều một tay bà chăm bẵm. Còn người con mù lòa, chỉ quanh quẩn ở nhà phụ những việc lặt vặt. Vừa cực công chăm sóc vừa phải lo kiếm tiền, khó khăn như vậy nhưng chưa bao giờ bà có ý định bỏ mặc 2 người con bị khuyết tật này.
Ở nhà là mẹ hiền của các con, còn ra ngoài xã hội, bà được mọi người gọi là “Mẹ đảm của thôn”, bởi ngoài việc xoay xở, cáng đáng việc nhà, chăm sóc các con, bà còn làm tốt các công tác xã hội. Bà luôn ý thức được sự thiệt thòi của bản thân về tri thức nên luôn nỗ lực trong mọi hoạt động để được học hỏi, giao lưu và trau dồi bản thân. Tham gia hội phụ nữ, nơi nào có hội thao, tập huấn, bà đều đi để biết thông tin, kiến thức, về phổ biến rộng rãi cho chị em phụ nữ trong thôn. Đặc biệt là các vấn đề kế hoạch hóa gia đình và nuôi dạy con cái. Bà đi từng nhà vận động, khuyến khích trẻ em trong thôn đi học.
Năm 2005, bà K’Hiếu vinh dự được kết nạp Đảng và năm 2009 bà được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Xoan. Bà tâm niệm: “Là đảng viên, trước hết mình phải gương mẫu để chị em học tập”. Năm 2010, bà được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mọi người đều nhận xét về bà với niềm cảm kích: “K’Hiếu dù nghèo nhưng tấm lòng luôn rộng mở, đón nhận tất cả những ai cơ nhỡ và chăm sóc bằng tình yêu thương. Tấm lòng nhân ái và nghị lực phấn đấu không ngừng trong cuộc sống của bà xứng đáng để mọi người noi theo”.