Hiến đất xây nhà cộng đồng
Theo chân ông Rơ Mah Jớp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Chía, chúng tôi đến thăm nhà ông Rơ Châm Chích - căn nhà nằm ngay mặt tiền đường, hiện đã xuống cấp. Ông Rơ Châm Chích (dân làng vẫn quen miệng gọi là già Chích) năm nay 65 tuổi, dáng người quắc thước, nụ cười luôn hiện hữu trên môi, ai trò chuyện cũng cảm giác gần gũi, dễ mến.
Câu chuyện của già Chích miên man về những đổi thay của ngôi làng. Đó là việc bà con có thêm thu nhập nhờ mở rộng đất canh tác, làm thêm nghề cạo mủ cao su; làng thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt, hội họp tại nhà văn hóa thôn, đã tạo được sự gắn kết trong cộng đồng.
Nằm kế bên ngôi nhà của già Chích là nhà văn hóa khang trang, được xây dựng vào năm 2018, rộng gần 3.000m2, đầy đủ bàn ghế, phòng làm việc… Đây là nơi bà con thường đến sinh hoạt văn hóa, cũng là địa điểm để phân xử các vụ tranh chấp, tổ chức các cuộc họp bàn về phát triển làng.
Ông Rơ Mah Jớp nhớ lại, năm 2018, xã có chủ trương làm nhà văn hóa thôn nhưng bị vướng chuyện làng Beng không có quỹ đất công. Đang loay hoay chưa biết tìm đất đâu để xây dựng thì già Chích đến nói sẽ hiến đất để xã xây nhà văn hóa. “Hồi già Chích nói hiến đất, chúng tôi bất ngờ vì khu đất của già Chích có giá trị lớn vì đất rộng, lại nằm ngay mặt tiền đường.
Lãnh đạo địa phương rất vui vì điểm nghẽn về đất xây dựng đã được tháo gỡ nên bắt tay triển khai các thủ tục xây dựng. Trong vòng 1 tháng, nhà văn hóa đã được làm xong, giúp bà con có chỗ sinh hoạt, hội họp”, ông Jớp kể.
Lô đất cụ Chích hiến tặng cho làng giá trị khoảng 600 triệu đồng (thời điểm năm 2018) - một số tiền rất lớn đối với người làng Beng. Với số tiền này, già có thể mua đàn bò, sửa nhà hoặc sắm xe.
“Tiền có bao nhiêu rồi cũng hết, biết mấy cho đủ. Bán đất thì chỉ mình có lợi. Còn hiến để xây nhà văn hóa thì cả làng cùng được thụ hưởng”, già Chích quả quyết. Thực ra, ban đầu, một số thành viên trong gia đình còn tiếc nuối vì đất có giá trị cao, lại đang cho thuê, mang lại thu nhập cho gia đình. Già Chích phải cố gắng thuyết phục để gia đình đồng thuận.
Đâu khó có… già Chích
Không chỉ là chuyện hiến đất xây nhà văn hóa, người dân làng Beng còn kể cho chúng tôi về những việc già Chích dày công đóng góp: vận động dân canh tác lúa trên cánh đồng trũng rộng 20ha bỏ hoang; kêu gọi bà con có điều kiện làm thêm nghề cạo mủ cao su để có thu nhập.
Nghe thuật lại, già Chích cười hiền, nói: “Việc gì có lợi cho dân thì mình vận động dân làm thôi. Như đối với cánh đồng lúa 20ha trước làng, trước năm 2020, do đất bùn nhiều, sản xuất vất vả nên dân bỏ hoang. Già thấy tiếc đất nên vận động dân cải tạo. Thế là cánh đồng được cải tạo thành công, bây giờ 26 hộ đang canh tác lúa 2 vụ trên cánh đồng đó. Rồi thấy làm công nhân cạo mủ cao su có thêm thu nhập, già cũng vận động, kết nối dân đi làm thêm cho công ty trồng cao su trên địa bàn. Bà con ban đầu còn ngại, nhưng mình vận động thì cũng đi. Đến nay đã có khoảng 130 người làm thêm nghề cạo mủ cao su”.
Ngồi bên cạnh, ông Rơ Mah Jớp góp chuyện: “Nhờ già định hướng, vận động, nên giờ ngoài thu nhập chính qua trồng trọt, bà con đã có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống hàng ngày. Đời sống nhờ đó đỡ vất vả hơn!”.
Cuộc nói chuyện ngắt quãng bởi điện thoại già Chích reo liên hồi. Kết thúc cuộc gọi, già Chích cho biết, già làng Siu Pơn (làng Lang, xã Ia Chía) gọi nhờ phân xử giúp một đôi vợ chồng ở làng Lang đã làm thủ tục ly hôn, cần phân chia tài sản đất đai. Trước khi đến gặp, chúng tôi đã nghe danh già Chích - “người phán xử” làng Beng. Từ lúc được bầu làm già làng vào năm 2014 đến nay, người dân có việc mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp đều liên hệ nhờ già phân xử. Không chỉ người trong làng Beng mà các làng khác cũng nhờ phân xử, vì già Chích am hiểu và uy tín.
Trung bình mỗi tháng, già đứng ra phân xử khoảng 10 vụ về tranh chấp đất đai, đánh nhau, vợ chồng mâu thuẫn, trộm cắp… “Có những vụ tranh chấp đất đai rất phức tạp, khiến mối quan hệ giữa những người tranh chấp rất căng thẳng. Những lúc đó, già phải chạy xe lên rẫy để xem đất tranh chấp, rồi căn cứ theo quy định để phân chia trước khi cắm mốc phân định.
"Khi được phân chia, người tranh chấp đều hài lòng, họ vui vẻ hóa giải mâu thuẫn, thậm chí ngồi lại “nâng chén” giảng hòa. Có những vụ vợ chồng mâu thuẫn, già gọi lên phân tích ai đúng ai sai, sau đó họ nhận ra thiếu sót nên dắt tay nhau về, hứa là sẽ hòa thuận, yên ấm…”, già Chích kể.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Chía Rơ Mah Jớp, già Chích am hiểu chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nên người dân rất tin tưởng. Cách phân xử của già cũng rất hay và sâu sắc. Như những vụ liên quan đến tranh chấp đất đai, già đều nhấn mạnh về vai trò của tình làng nghĩa xóm, người thân là quan trọng nhất. Còn đất đai có thêm một ít cũng không giải quyết được gì. |