Ở nơi có tường, mái và sàn thì được xác định là có nhà ở
Phóng viên: Thưa ông, toàn TPHCM có gần 2,6 triệu hộ dân nhưng chỉ còn 39 hộ dân không có nhà ở; riêng khu vực các quận, chỉ có 1 hộ dân ở quận 1 và 1 hộ dân ở quận 4 không có nhà ở. Nhiều người bình luận đây là con số quá “đẹp”, và không tin vào kết quả này. Cách tính của các ông ra sao, để ra được con số này?
Ông VÕ THANH SANG, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM: Để xác định tình trạng người có nhà ở hoặc không có nhà ở, Cục Thống kê TPHCM dựa vào tiêu chí của Bộ Xây dựng làm việc với Tổng cục Thống kê. Chúng tôi đã có định nghĩa rõ thế nào là hộ có nhà ở, hộ không có nhà ở. Cụ thể, nhà ở là một công trình xây dựng gồm 3 bộ phận: sàn, mái, tường và được dùng để ở. Nó có thể là 1 khu nhà, ngôi nhà, căn hộ, phòng ở.
Trường hợp nhà bè trên sông nếu có đầy đủ 3 bộ phận sàn, mái và tường thì cũng được tính là nhà ở nếu riêng biệt và có lối vào trực tiếp. Tức là, nếu một hộ ở trong một công trình xây dựng gồm 3 bộ phận tường, mái và sàn thì được xác định là có nhà ở. Có nơi ở chưa thành căn nhà, nhưng có vách, có lối đi riêng như một số trường hợp sống ở gầm cầu thang mà có vách, có cửa ra vào thì chúng tôi cũng tính là có nơi ở.
39 hộ không có nhà ở là những hộ sống ở lều, lán trại, vỉa hè, gồm 1 hộ ở quận 1, 1 hộ ở quận 4 và 37 hộ ở huyện Cần Giờ.
Chúng tôi thống kê không dựa trên tình trạng sở hữu nhà, chủ quyền nhà. Người sống ở nhà trọ, những người ở nhờ nhà cha mẹ, ở ké nhà người thân… vẫn tính là có nơi ở. Nói chính xác thì đây là thống kê về nơi ở. Riêng người lang thang xin ăn, người sinh sống tại các cơ sở xã hội, chúng tôi tính là nhân khẩu đặc thù.
Chất lượng nhà ở là một chiều kích quan trọng phản ánh sự chênh lệch giữa các nhóm dân cư và là một điểm đáng lưu ý trong việc nâng cao chất lượng nhà ở trong tương lai, bởi từ nhà “bán kiên cố” đến “kiên cố” là cả một chặng đường dài có khi cả đời người chưa chắc đã đổi được. Thưa ông, trong 99,3% hộ đang sống trong nhà ở kiên cố và bán kiên cố, cụ thể có bao nhiêu hộ được sống trong nhà ở kiên cố, bao nhiêu hộ sống trong nhà ở bán kiên cố?
Chúng tôi chưa có con số cụ thể.
Điều tra Dân số và nhà ở tại TPHCM có phát hiện là tỷ lệ hộ gia đình có 1 người ngày càng nhiều. Thực trạng đó nói lên điều gì, thưa ông?
Hộ gia đình có 1 người ngày càng nhiều, tăng từ 7,4% vào năm 2009 lên gần 12,5% vào năm 2019. Hộ 1 người là các trường hợp ở căn hộ một mình; cũng có nhiều trường hợp anh chị em ở chung, ăn chung với nhau từ nhỏ, sau này lớn lên thì ở chung nhưng lại ăn riêng. Các trường hợp này rất nhiều, anh chị em ở cùng nhà do cha mẹ để lại, ở chung nhưng ăn riêng.
Khái niệm “hộ dân” của ngành thống kê – dựa vào thực tế sinh hoạt, khác với hộ dân của ngành công an – dựa vào tình trạng hộ khẩu. Chúng tôi sẽ có phân tích chuyên sâu về chuyên đề nhà ở.
Hộ gia đình 1 người ngày càng nhiều cũng phản ánh thực tế xu hướng của giới trẻ hiện nay, họ xác định quan trọng là lập nghiệp trước rồi mới lập gia đình. Thực tế hiện nay như vậy.
Thống kê tỷ lệ đã từng kết hôn của người… từ 15 tuổi
Luật Hôn nhân và gia đình quy định tuổi kết hôn là 20 tuổi với nam, 18 tuổi với nữ. Tuy nhiên, ngành thống kê lại thống kê tỷ lệ đã từng kết hôn của người… từ 15 tuổi trở lên. Thống kê việc kết hôn của người mới 15 tuổi để làm gì, thưa ông?
Việc thống kê tình trạng hôn nhân của người từ 15 tuổi trở lên là cách làm theo khái niệm của Liên Hiệp quốc đưa ra, chứ không phải riêng của Việt Nam. Chúng tôi thống kê cũng không dựa trên giấy đăng ký kết hôn mà căn cứ vào tình trạng chung sống thực tế. Hễ nam nữ sống chung với nhau, được xem là vợ chồng, dù không có đăng ký kết hôn. Thống kê từ 15 tuổi bởi có người lỡ sống với nhau từ rất trẻ, người dân tộc thiểu số kết hôn sớm.
Thống kê chuyện hôn nhân ngay từ 15 tuổi, liệu có phải là sự mặc định TPHCM còn nạn tảo hôn? Mặt khác, theo Bộ Luật Hình sự, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, tội cưỡng dâm với người từ đủ 13 tuổi đến 16 tuổi sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự. Thưa ông, đã thống kê tình trạng hôn nhân của người từ 15 tuổi, vậy các ông có phát hiện được tỷ lệ tảo hôn, giao cấu với người chưa thành niên?
Không. Tổng cục Thống kê có phối hợp với Qũy Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), thực hiện khảo sát một chuyên đề khác, hỏi về bạn tình của trẻ vị thành niên. Tổng cục có làm, còn chúng tôi (Cục Thống kê TPHCM) không làm. Đây là vấn đề có tính riêng tư, có liên quan đến luật pháp, nên khi làm điều tra cũng phải hết sức tế nhị, khéo léo và bảo mật thông tin.
Nếu vậy, qua thống kê, ông có thể cho biết chính xác ở TPHCM, bao nhiêu đàn ông - tất nhiên là người trưởng thành - không thích lấy vợ, bao nhiêu đàn bà – cũng tất nhiên là người trưởng thành – thích sống độc thân?
Không, không, bây giờ không biết được. Cái đó cần phân tích sâu. Chúng tôi sau này sẽ có phân tích hết: độ tuổi kết hôn là bao nhiêu, nhóm tuổi nào có vợ có chồng nhiều nhất, nhóm nào độc thân nhiều nhất.
Tôi cho rằng, quy định là quy định, không nên áp dụng thống kê một cách cứng nhắc; hoặc, có áp dụng nhưng cần lấy thêm ngưỡng từ độ tuổi được phép kết hôn, thì sẽ cho ra một bức tranh về tình trạng hôn nhân của người trưởng thành một cách chuẩn xác, thiết thực hơn?
Nếu để lấy dữ liệu này, sau này chúng tôi sẽ có sự phân tích.
Vì sao khác biệt 9 triệu và 13 triệu người
TPHCM thường thông tin nếu tính cả người tạm trú, đến sinh sống, làm việc, học tập, du lịch thì TP có khoảng 13 triệu dân. Qua điều tra, ngành thống kê xác định TP có gần 9 triệu dân. Vì sao có sự khác biệt này, thưa ông?
Ngành thống kê tính số người ở TPHCM trên cơ sở người thực tế thường xuyên ăn ở tại các hộ dân từ 6 tháng trở lên tính tới thời điểm điều tra, không phân biệt họ có hay không có hộ khẩu thường trú. Có những người mới đến TPHCM chưa được 6 tháng nhưng xác định sẽ ăn ở ổn định lâu dài tại TPHCM thì cũng vẫn được tính. Ví dụ, một cô gái theo chồng tới TPHCM chưa được 6 tháng, nhưng dự kiến vợ chồng ở lâu dài tại TPHCM; một người mới tới TPHCM nhưng có quyết định nhận việc làm; một gia đình mới tới TPHCM một tuần nhưng dự kiến sẽ sinh sống lâu dài…
Những trường hợp người ở tỉnh tới TPHCM làm công nhân, buôn bán sáng đi tối về hoặc tới khám chữa bệnh thì chúng tôi không tính. Nếu tính hết cả những người này thì có thể số người ở TPHCM lên tới 13 triệu người, chưa tính khách du lịch.
Gần 9 triệu người dân ở TPHCM là tính cả người tạm trú từ 6 tháng trở lên. Vậy có thể suy ra, lượng người thường trú, có hộ khẩu tại TPHCM sẽ ít hơn nữa, không tới 9 triệu người?
Nói vậy cũng không khẳng định được đâu. Ngành công an họ có số liệu cụ thể về hộ dân theo hộ khẩu. Còn chúng tôi chỉ tính địa bàn đó có bao nhiêu người ở từ 6 tháng trở lên, không quan tâm hộ khẩu.
Thưa ông, nhiều hộ dân phản ánh, người điều tra dân số và nhà ở đã phát phiếu điều tra cho hộ dân, yêu cầu họ tự ghi. Người dân đặt vấn đề, họ tự khai như vậy mới là thông tin một phía từ người dân và nếu không có sự xác minh, đối chiếu lại từ cơ quan chức năng, thì liệu thông tin chung được công bố có… chuẩn xác hay không?
Trong bảng điều tra, có nhiều câu hỏi, nhiều chỉ tiêu liên quan tới nhau. Câu trả lời sau có thể chỏi với câu trả lời trước nếu trả lời không đúng. Tôi nói thế thôi. Còn ngành thống kê, theo nguyên tắc, người dân khai sao, chúng tôi ghi lại, thống kê vậy.
Điều tra dân số và nhà ở 10 năm mới thực hiện một lần, là một cuộc điều tra quy mô, là dữ liệu quan trọng cho hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở TPHCM. Song, kết quả công bố dường như còn sơ lược?
Chúng tôi mới công bố kế quả sơ bộ. Ngành thống kê TPHCM vẫn còn phải làm rất nhiều việc để xử lý nguồn thông tin khổng lồ, quý giá thu thập được từ cuộc điều tra. Dự kiến, trong quý 4-2019, sẽ có kết quả chính thức. Sang năm 2020, Cục Thống kê TPHCM sẽ có kết quả sâu hơn, ra ấn phẩm chuyên sâu phân tích các số liệu, kết quả điều tra cụ thể. Đồng thời, cũng cần thời gian để chốt số liệu trên toàn quốc. Đó sẽ là dữ liệu quan trọng cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.