Mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu đôi khi chỉ là việc cỏn con, nhưng vì suy nghĩ giữa hai thế hệ, quan điểm người làm mẹ chồng, người làm con dâu không gặp được nhau nên dễ nảy sinh các vấn đề trong cách sống, làm việc, giao tiếp.
1. Hôm rồi, hẹn gặp được bạn thân “tám chuyện” ở quán cà phê quen thuộc, chị Ngọc Hoa (quận Bình Thạnh, TPHCM) được dịp bung xả bao tâm sự: “Hôm giỗ ông bên nhà chồng, từ 8 giờ sáng tôi đã có mặt để phụ giúp, việc làm luôn tay đến tận trưa. Sau lễ cúng, khách khứa, bà con chòm xóm ngồi chật 5 mâm cỗ, nhưng không có cái ghế nào chừa cho tôi. Mẹ chồng cùng các cô, dì liên tục vừa ăn uống vừa kêu tôi chạy tới lui “châm thêm” đồ ăn, nước chấm, rau, bánh, đá, nước ngọt, trái cây… Khi tiệc gần tàn, mẹ chồng tiếp tục kêu tôi nhanh tay phụ dọn dẹp các bàn đã ăn xong. Tôi như con thoi, im lặng và cố gắng làm tròn mọi việc mà lòng chất đầy tủi buồn. Thật sự, thời khắc đó, tôi chỉ mong bữa giỗ sớm xong để còn được nhà nghỉ ngơi, kiếm chút gì ăn trưa để đỡ đói”.
Đến chiều tối, khi anh Thương (chồng chị Hoa) đi làm về, bao uất ức dồn nén trong lòng được chị nói hết ngọn nguồn. Anh Thương ngồi lặng im nghe. Gương mặt anh nhiều lúc căng thẳng, hai mày chau lại. Kết thúc câu chuyện, nhìn vợ mắt ướt lệ, mặt buồn hiu, anh dỗ dành chị rồi “chốt” lại một câu: “Sau này, mấy ngày giỗ bên nhà anh, hôm nào anh về thì em về cùng anh. Anh không về được thì anh sẽ báo với mẹ, em không phải đi về một mình như hôm nay”.
Sau đó ít ngày, chị Hoa nghe anh kể lại, anh đã có một buổi nói chuyện với mẹ mấy tiếng đồng hồ về ngày giỗ hôm trước, về cách mẹ cư xử với chị... Tuy anh không nói cụ thể những lời gì anh nói với mẹ, nhưng từ sau buổi chuyện trò đó, mẹ chồng chị đã có sự thay đổi ít nhiều trong cách cư xử với con dâu.
2. Khi nhận được câu hỏi về những vấn đề cuộc sống gia đình, chị Minh Trang (quận 6, TPHCM) được dịp bày tỏ bức xúc. Nguyên do cũng vì lâu lâu mẹ chồng chị ở quê lên chơi, mỗi lần đều ở nhà chị 10 ngày đến nửa tháng. Trong nhà, bên cạnh những việc không tên lo lắng cho gia đình 4 người gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ vừa tròn 5 tuổi và 8 tuổi, chị Trang cũng có công việc buôn bán riêng để kiếm thêm thu nhập chia sẻ gánh nặng kinh tế cùng anh Khoa chồng chị. Khi mẹ chồng lên nhà chơi theo đúng nghĩa nghỉ dưỡng và thăm cháu, chị lại có thêm một số việc để lo toan.
Chị Trang kể: “Mỗi ngày mình đều đầu tắt mặt tối để lo chu toàn hết công việc gia đình, lại phải lấy hàng, bán hàng, giao hàng cho khách…, ấy vậy mà ngày nào mẹ cũng tìm ra lỗi để trách móc. Khi thì bảo làm dâu bao năm rồi mà nấu ăn không hợp khẩu vị. Lúc đám nhỏ bày bừa đồ chơi không dọn dẹp thì mẹ lại rầy rà nhà cửa bừa bộn. Hôm đi siêu thị, tiện thể nên mua khá nhiều đồ dùng gia đình, mới mở cửa vào, mẹ thấy xách khệ nệ 4, 5 túi là càm ràm bảo mua sắm phung phí...
Chị Trang buộc phải kéo chồng vào phòng riêng để nói cho “ra ngô ra khoai”. Chị mong anh nói chuyện và góp ý để mẹ ở chung với con cháu thì đừng nói lời nặng nhẹ. Chị sai thì chị nghe, chị nhận, nhưng kéo dài mãi thì sẽ không tốt về tinh thần và thể chất cho chị, ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.
Hôm anh Khoa đưa mẹ về quê, anh đã có một chặng đường dài nhỏ to tâm sự và sẻ chia với mẹ về tình hình cuộc sống, quan điểm nuôi dạy con cái và cách anh muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình nhỏ của anh. Anh mong, niềm hạnh phúc nhỏ bé của anh cũng sẽ là hạnh phúc của mẹ.
Hôn nhân gia đình có tồn tại vững vàng hay không đều nhờ vào vai trò, trách nhiệm, sự quan tâm và sẻ chia của cả vợ và chồng cùng chung sức vun xới, xây đắp, gìn giữ. Trong các mối quan hệ “lân cận”, đặc biệt là mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, người ở giữa là đấng mày râu càng phải khéo léo sắp xếp, xử lý, giải quyết các vấn đề, những mâu thuẫn nhỏ - to dễ phát sinh từ hai nhân tố quan trọng trong cuộc đời người đàn ông trong gia đình. Khi mọi mâu thuẫn được giải quyết, gút mắc không còn, nỗi buồn không tồn tại, niềm vui nhẹ nhàng lan tỏa thì tự khắc hạnh phúc gia đình cùng mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu sẽ dễ dàng được cải thiện, tình cảm, gần gũi, khắng khít, cảm thông nhau nhiều hơn.
3.Trong nhiều mối quan hệ gia đình khác, câu chuyện bức xúc mẹ chồng - nàng dâu cũng đến từ hướng ngược lại: những cô con dâu. Có những nàng dâu luôn khó chịu, lạnh nhạt, thậm chí còn vô lễ, coi thường mẹ chồng, nhất là những bà mẹ chồng ở quê lên thành phố. Không ít mẹ chồng đã phải rớt nước mắt vì cách ứng xử của con dâu, có người chịu không nổi phải bỏ về quê, chấp nhận cuộc sống đơn độc ở tuổi xế chiều.
Chị Nhung (quận Gò Vấp, TPHCM) sinh con trai thứ hai nhưng mẹ ruột không vào trông được, thế là mẹ chồng - một bà mẹ lam lũ, quê mùa từ miền Trung vào chăm con dâu. Bà cụ cả đời ở quê, vào khu chung cư mới toanh cái gì cũng lạ lẫm. Cơm nước, dọn dẹp cô giúp việc lo; chăm cháu việc bà, nhưng việc gì cũng không vừa mắt cô con dâu, nào là bình sữa nguội tanh, thằng bé ướt mà không kịp thay tã, rồi tắm xong người vẫn còn ẩm đã mặc tã… Chị Nhung ban đầu cằn nhằn với chồng, rồi quay qua cằn nhằn hẳn với mẹ chồng. Có hôm hàng xóm thấy bà cụ ngồi dưới sân chung cư mà nước mắt vòng quanh, nên góp ý hẳn với chồng chị Nhung… Anh Tân, chồng chị Nhung đúng kiểu khó xử. Là người ở giữa, anh không biết nói sao cho vợ hiểu, và động viên mẹ sao cho mẹ đừng buồn…