Người nuôi tôm, cá tra trước nguy cơ lỗ nặng

Người nuôi tôm, cá tra ở ĐBSCL hiện đang đứng trước nguy cơ lỗ nặng do giá thức ăn tăng cao từ đầu năm 2023 và vẫn “neo cao” ở thời điểm cuối năm, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu thu hẹp đáng kể, thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh phát sinh…

Cá tra: Giá “lao dốc”, xuất khẩu giảm

Trái ngược với sự phấn khởi, hồ hởi trong những tháng đầu năm 2023 vì lãi cao (mỗi ký cá tra lãi hơn 1.000 đồng), thời điểm này người nuôi cá tra ở thủ phủ cá tra TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp sống trong lo lắng vì giá đang “lao dốc”. Mọi năm, những tháng cận tết, giá cá tra dao động ở mức 28.000-28.500 đồng/kg, có lúc lên 29.000 đồng/kg nhưng năm nay xuống 26.500 đồng/kg. “Với mức giá này, người nuôi lỗ vì chi phí sản xuất mỗi ký cá tra hơn 27.000 đồng”, ông Đặng Văn Mững, một hộ nuôi cá tra ở TP Hồng Ngự lo âu.

Bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp chiếm hơn 40% diện tích nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL. Người nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn do giá bán sụt giảm trong khi giá thành sản xuất, nguyên liệu đầu vào tăng cao. Theo bà Thủy, trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường xuất khẩu cá tra của 27 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sụt giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bình quân giá xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 2,65 USD/kg so với mức gần 3,2 USD/kg cùng kỳ năm 2022.

r7a-4225.jpg
Hộ nuôi cá tra khóc ròng vì giá thành sản xuất tăng, mà giá bán thì giảm

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) Võ Hùng Dũng, ngành hàng cá tra đang trong chu kỳ đi xuống và dự báo phải mất một thời gian khá dài để có thể phục hồi khi cung - cầu đạt mức cân bằng trở lại. Tính đến cuối tháng 10-2023, diện tích nuôi mới cá tra đạt trên 5.300ha, tăng trên 85% so với cùng kỳ; diện tích thu hoạch là trên 3.660ha, tăng trên 34% với sản lượng đạt trên 1,33 triệu tấn, tăng trên 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi diện tích nuôi và sản lượng thu hoạch tăng cao thì kim ngạch xuất khẩu đến cuối tháng 10-2023 lại sụt giảm 28% (đạt hơn 1,5 tỷ USD) so với cùng kỳ khiến ngành hàng chủ lực này ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn.

Tại Hội nghị “Đánh giá tình hình ngành hàng cá tra năm 2023 và phương hướng kế hoạch năm 2024” diễn ra ở Đồng Tháp mới đây, đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) cho biết doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn tại các thị trường tiêu thụ như Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc. Theo đó, bình quân lượng đơn hàng xuất khẩu giảm khoảng 30% cho tất cả các thị trường, trong khi giá bán lại rớt thê thảm. Hiện chi phí nuôi, chế biến, xuất khẩu, kiểm soát chất lượng, logistics, lưu kho hàng tồn… đều tăng, tạo áp lực lớn cho các đơn vị chế biến, xuất khẩu thủy sản.

Tôm: Lỗ nặng, người nuôi ngại xuống giống

Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, hiện nay hầu hết hộ nuôi tôm ở tỉnh này đang rất e dè khi quyết định xuống giống vụ mới. Lý do giá tôm nguyên liệu chưa tăng do tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, giá các loại vật tư đầu vào như giống, thức ăn, sinh phẩm, thuốc… chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Cùng với đó, tỷ lệ nuôi thành công hiện đang ở mức rất thấp do thời tiết, môi trường, dịch bệnh… diễn biến phức tạp.

r1b-2695.jpg
Thu hoạch tôm tại Cà Mau

Anh Hồ Văn Thanh, một người nuôi tôm tại Sóc Trăng, cho biết, giá tôm nguyên liệu trong năm 2023 rất thấp so với kỳ vọng của người nuôi. Nghịch lý là giá tôm thấp nhưng giá thức ăn lại không giảm, thậm chí tăng qua mỗi vụ nuôi, đẩy chi phí sản xuất lên cao. “Chỉ tính riêng thức ăn (chưa bao gồm thuốc, sinh phẩm…) đã chiếm trên 60% giá thành sản xuất mỗi ký tôm. Với mức chi phí đầu tư như vậy, người nuôi tôm không có lời, thậm chí có nguy cơ lỗ nặng nếu đầu ra bị chậm”, anh Thanh cho hay.

Ông Nguyễn Văn Lập, hộ nuôi tôm ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay giá tôm liên tục giảm mạnh. Hiện tôm sú loại 30 con/kg thương lái chỉ thu mua 110.000 đồng; loại 20 con/kg có giá khoảng 160.000 đồng, giảm 80.000-100.000 đồng so với năm 2022... Ông Lập tính toán: 3 năm trước mỗi ao tôm sú rộng 2.500m2 có chi phí đầu tư gần 100 triệu đồng, trừ chi phí sau thu hoạch, lãi 50 triệu đồng. Hiện nay chi phí đầu tư một ao nuôi tôm như trên tăng hơn gấp đôi (khoảng 230 triệu đồng). Với giá tôm hiện tại, cuối vụ gia đình ông chỉ thu về khoảng 110 triệu đồng, lỗ hơn 100 triệu đồng.

Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang: Xuất khẩu khó, chi phí bảo quản cao

Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua doanh nghiệp rơi vào cảnh thiếu tiền mặt vì hàng không xuất khẩu được nên ngân hàng không giải ngân các khoản vay dù có tài sản để thế chấp. Xuất khẩu khó khăn làm lượng hàng tồn kho tăng, dẫn đến chi phí bảo quản hàng hóa của doanh nghiệp tăng cao, bình quân mỗi tháng tăng khoảng 4 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá: Phải bảo vệ chất lượng sản phẩm, uy tín ngành hàng

Giá nguyên liệu cao đẩy giá bán cá tra cao. Để dễ có đầu ra xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chấp nhận hạ giá bán nhưng lại thêm phụ gia làm giảm chất lượng, đánh mất uy tín. Điều này làm thị trường xuất khẩu của cá tra Việt Nam bị thu hẹp, càng gặp khó khăn hơn. Trước thực tế trên, tôi đề nghị VINAPA phối hợp với các đơn vị liên quan vào cuộc kiểm tra, bảo vệ chất lượng sản phẩm và uy tín của ngành cá tra Việt Nam.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch VINAPA: Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi

VINAPA sẽ kiến nghị Bộ NN-PTNT có ý kiến để Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm kéo giảm giá thành sản xuất cá tra, hỗ trợ người nuôi giảm chi phí đầu vào, nâng cao chuỗi giá trị để ngành hàng cá tra phát triển ổn định, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tin cùng chuyên mục