Con đường tiến tới “Câu lạc bộ 1.000 tỷ USD”
Năm 2020 là năm thắng lợi vang dội của Elon Musk, khi chỉ trong 1 năm, ông kiếm được hơn 165 tỷ USD, hơn 3/4 khối tài sản khổng lồ của mình. Con số này được ghi nhận là tốc độ tăng tài sản nhanh nhất trong lịch sử. Thành công Elon Musk có được là nhờ giá trị cổ phiếu của Tesla tăng xấp xỉ 743% chỉ trong năm 2020.
Theo Bloomberg Billionaires Index, nhờ chạm ngưỡng 100 tỷ USD từ cuối tháng 8-2020, sau vỏn vẹn 4 tháng, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 8-1, CEO hãng xe điện Tesla giờ không chỉ là người giàu nhất thế giới, mà còn sở hữu số tài sản kỷ lục đã tăng gấp đôi lên 209 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục trước đó của ông chủ Amazon Jeff Bezos. Kết thúc phiên giao dịch ngày 8-1, giá cổ phiếu Tesla tăng 7,8% lên 880USD, đẩy định giá của công ty này lên 830 tỷ USD. Giá trị vốn hóa của Tesla tăng khoảng 105 tỷ USD chỉ trong một tuần. Theo Market Watch, Tesla đã vượt qua Facebook (762 tỷ USD) để trở thành công ty lớn thứ năm tại Mỹ tính theo giá trị vốn hóa, sau Apple, Microsoft, Amazon và Alphabet (tập đoàn mẹ của Google). Do đó, giới quan sát Phố Wall dự báo Tesla hoàn toàn có thể gia nhập “Câu lạc bộ 1.000 tỷ USD” cùng Apple, Microsoft, Amazon và Alphabet trong tương lai gần.
Phản ứng trước sự kiện này, Elon Musk chỉ nói đúng 6 từ trên Twitter: “How strange” (Lạ chưa), tiếp sau đó là “Well, back to work” (Nào, quay lại làm việc thôi). Giống như tỷ phú Bill Gates, Elon Musk coi việc để lại tiền tỷ trong ngân hàng sau khi qua đời là một sự thất bại. Hoặc thậm chí có khi đến chết cũng không còn tiền tỷ. Vì hơn ai hết, các tỷ phú cũng hiểu rằng, khối tài sản đó có thể biến mất chỉ bởi những biến đổi không lường trước của thị trường tài chính.
Với 100 giờ làm việc một tuần, triết lý sống của Elon Musk là “làm sao tạo ra tương lai tốt hơn”, bằng cách “tạo ra những thứ thú vị, bạn sẽ làm cuộc sống tốt hơn”. Một trong những động thái đầu tiên của ông ngay sau khi trở thành người giàu nhất hành tinh là xin lời khuyên về cách cho đi số tiền hơn 200 tỷ trên. Ông chủ Tesla nói rằng lý do ông tích lũy tài sản là để cho đi hoặc chuyển hướng đến các dự án mà ông đam mê, cụ thể là khám phá không gian.
Vai trò của Tesla
Nếu một ngày trong tương lai các thành phố không còn nhiều khói bụi, người ta sẽ luôn nhắc về những công ty tiên phong, trong đó có công ty xe điện hàng đầu Tesla của Mỹ với mục tiêu giảm mức độ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch gây ra hiện tượng nóng lên của Trái đất. Năm qua là một năm đặc biệt thành công với Công ty xe điện Tesla. Gần 500.000 chiếc đã bán trong năm 2020 giúp doanh số của Tesla tăng 36% so với năm trước đó.
Tesla nổi lên trong bối cảnh các quỹ đầu cơ của các nhà hoạt động môi trường và các nhà đầu tư đang gây áp lực lên các hãng sản xuất ô tô để đẩy mạnh nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo là yếu tố quyết định trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt khi nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt. Tương lai của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu gần như đã được định đoạt bởi sự phát triển của xe điện, trong đó không thể không nhắc đến Tesla. Tháng 9-2020, hãng sản xuất xe điện của tỷ phú Elon Musk công bố những đột phá táo bạo giúp giảm mạnh chi phí sản xuất pin để đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi sang năng lượng tái sử dụng trên toàn cầu.
Sự bùng nổ của Tesla đã giúp ông Musk vượt qua tỷ phú Bill Gates, nhà đồng sáng lập Tập đoàn Microsoft, trở thành người giàu thứ hai thế giới và nay thì trở thành người giàu nhất thế giới. Bỏ qua những hãng xe có quy mô quá nhỏ, tất cả các hãng xe truyền thống đều bước vào cuộc đua “không phát thải” cho những thập niên sắp tới.
Các giấc mơ nối dài
Có người nói ông vừa là thiên tài và là kẻ bán ảo mộng. Nhưng Elon Musk vẫn là trường hợp độc nhất trong thời đại này. Dòng Tweet được ghim ở đầu trang Twitter của Elon Musk ghi rõ: “Khoảng một nửa tài sản của tôi dùng để giải quyết các vấn đề trên Trái đất. Nửa còn lại được sử dụng để xây dựng một thành phố có khả năng tự cung tự cấp trên sao Hỏa để đảm bảo sự sống (của tất cả các loài) vẫn tiếp tục trong trường hợp Trái đất bị thiên thạch lao vào, hoặc trong trường hợp Thế chiến thứ 3 xảy ra và nhân loại tự hủy diệt chính mình”.
Trong thời điểm dịch bệnh làm cho nền kinh tế ảm đạm và xã hội nước Mỹ bị chia rẽ, thì chính Elon Musk là người đã thắp lên tia sáng hy vọng trên bầu trời khi Tập đoàn công nghệ SpaceX của ông, ngày 16-11-2020 đã phóng tiếp thành công tên lửa đẩy Falcon 9, đưa tàu vũ trụ Crew Dragon chở 4 nhà du hành lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Trước đó, ngày 10-11, NASA đã chính thức cấp giấy chứng nhận an toàn cho tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX, cho phép tập đoàn tư nhân đầu tiên đưa phi hành gia vào vũ trụ được thực hiện các chuyến đưa người thường xuyên vào vũ trụ.
Elon Musk được đánh giá là một người xuất chúng, am tường ở cấp độ chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như khoa học, kỹ thuật, năng lượng, vật lý, công nghệ, sinh học, vũ trụ… vì vậy những khả năng của ông không phải là ma thuật. Chính Elon Mush là khởi đầu của một chuẩn mực mới, một kỷ nguyên mới của ngành hàng không vũ trụ. Nếu như trước đây nhiều người gọi Musk là gã điên rồ cuồng vũ trụ, thì vào thời điểm dịch bệnh hoành hành một cách bất trị, người ta nghĩ nhiều đến khả năng SpaceX được xây dựng để đưa con người thoát khỏi dịch bệnh chết người ở Trái đất này. Tham vọng biến sao Hỏa trở thành thuộc địa của loài người, ban đầu là của Elon Musk, giờ có thể đã trở thành mơ ước của nhiều người.
Vị tỷ phú 50 tuổi, cha đẻ của 4 công ty trị giá nhiều tỷ đô SpaceX, Tesla và công ty năng lượng mặt trời SolarCity… chia sẻ ông sẽ dành phần lớn tài sản của mình để đầu tư vào các dự án xây dựng căn cứ trên sao Hỏa để chinh phục không gian, có thể đưa con người lên hành tinh này. Đó là lý do tại sao việc xây dựng căn cứ trên sao Hỏa, đẩy nhanh sự tiến hóa của nhân loại trở thành động lực cho Musk. Mục đích chính của sự giàu có hiện nay là thúc đẩy sự tiến hóa của nhân loại thành một nền văn minh vũ trụ. Tôi muốn nhân loại thống trị sao Hỏa và việc này cần rất nhiều tiền. Dù là người đại diện tư duy đi trước thời đại, nhưng ông lại rất “nhạy cảm” đối với những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo (AI). Trong nhiều lần trả lời phỏng vấn của truyền thông, ông sợ rằng một ngày AI có thể trở nên mạnh mẽ và đe dọa đến sự tồn vong của con người nếu chúng quá thông minh. Elon Musk cho biết bản chất của AI không phải là robot mà là thuật toán máy tính: “Điều quan trọng là nếu chúng ta chỉ tạo ra những thuật toán đơn giản, các chuyên gia AI có thể dừng chúng lại bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nếu thuật toán phát triển và có thể tự đưa ra quyết định, sẽ không có cách nào để dừng chúng lại”.