Những ngày qua, người nuôi hải sản ở thôn Vinh Quang 2 (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định) vẫn đang tất bật chằng chống, hàn nối, chắp vá lại các chòi canh, ao đìa bị hoàn lưu của bão số 5 tàn phá.
Tại vùng nuôi hải sản bán tự nhiên của người dân xóm Cồn Chim (thôn Vinh Quang 2), viễn cảnh càng trở nên xơ xác hơn. Các hồ cá, tôm, cua bị sóng đánh bứt bờ, hỏng cống điều tiết nước; hàng loạt chòi canh gãy nát hoặc bị cuốn trôi…
Một số người dân xóm Cồn Chim cho biết, cơn bão số 5 ập đến quá bất ngờ, khiến nhiều hộ dân trở tay không kịp, ao đìa bị sóng đánh vỡ bờ trôi hết khoảng 40 đến 50% cá, tôm, cua.
Đầu năm 2019, ông Trần Văn Nam (49 tuổi, xóm Cồn Chim) – đang có hồ hải sản 1,4ha giữa đầm Thị Nại, thả nuôi giống 2.000 con cá đối cầu, 1.000 cá chua, 2.000 cua… thả nuôi theo kiểu bán tự nhiên, quảng canh (thu hoạch quanh năm). Thời điểm cơn bão số 5 đổ bộ, gia đình ông đã được thông báo trước tuy nhiên do hồ quá rộng, lượng cá cua lớn, thu hoạch không kịp nên cá “xổng” ao đìa rất lớn.
Tương tự, hồ các ông Phạm Đình Lương (49 tuổi), Trương Hữu Tài (57 tuổi), Huỳnh Văn Phú (39 tuổi), Nguyễn Hữu Nên (42 tuổi; đều ở xóm Cồn Chim) cũng phán ánh, qua 2 cơn bão số 5 và số 6, ao đìa, nhà canh, dụng cụ… bị hư hỏng nặng, cá cua “xổng” ra ngoài, thiệt hại rất lớn.
Chủ hồ hải sản Trương Hữu Tài cho biết, xóm Cồn Chim có khoảng 150 hộ nuôi trồng thủy hải sản, cơn bão số 5 vừa rồi ai cũng thiệt hại chung như nhau, cua cá ra khoảng 40% đến 50%.
“Cồn Chim sống giữa đầm, bao quanh mênh mông nước. Cơn bão 5 ập vào, trời lại nồm nước hỗn quá, dâng rất cao làm sập nhiều nhà dân, nhiều hộ phải bỏ nhà chèo ghe đi trú ẩn… Còn ao đìa thì chịu chết thôi chứ làm sao cứu vớt nỗi. Cá, tôm, cua của người dân tầm 600-700 gram bị cuốn trôi rất nhiều. Ngoài ra, nhà canh, ao đìa, lồng bè, lưới, dụng cụ,… cũng bị sóng cuốn phá tan nát hết...”, ông Tài nói.
Nguyện vọng của bà con xóm Cồn Chim mong được nhà nước quan tâm, hỗ trợ để khôi phục lại nghề, hỗ trợ thêm kinh phí để mua con giống tái nuôi trở lại. “Hiện, người dân Cồn Chim vay nợ ngân hàng, tín dụng đen cũng rất nhiều, nếu không tiếp tục nuôi thủy hải sản chỉ còn nước tán gia bại sản…”, ông Tài nói thêm.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Như Giàu, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, cho biết: Cơn bão số 5 gây thiệt hại khá nặng nề cho người dân tại địa phương về nhà cửa, vật chất. Đặc biệt, sau cơn bão số 5, trời trở lại nồm gây thời tiết phức tạp, nguy hiểm, thủy triều dâng cao ảnh hưởng đến vùng nuôi hải sản ở đầm Thị Nại.
“Tuy nhiên, về nuôi hải sản, do người dân nuôi quảng canh, nuôi bán tự nhiên với quy mô ao đìa rất rộng nên khó để nắm bắt được thiệt hại. Sắp tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo đơn vị đến tận các hộ dân để xác minh, thống kê thiệt hại, vận động người dân khôi phục lại sản xuất…”, ông Giàu nói.
Đối với nguyện vọng của người dân, lãnh đạo xã Phước Sơn đã ghi nhận và sẽ có kiến nghị cụ thể để xin cấp trên hỗ trợ bà con kinh phí mua con giống và hỗ trợ khôi phục nghề…