Người nước ngoài tại Việt Nam được tham gia công đoàn Việt Nam

Sáng 24-10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Dự thảo giữ nguyên mức đóng kinh phí công đoàn 2% trên tổng quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Các đại biểu dự phiên họp sáng 24-10. Ảnh: VIẾT CHUNG
Các đại biểu dự phiên họp sáng 24-10. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, sửa luật nhằm bảo đảm Công đoàn Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, thu hút đông đảo người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn Việt Nam; kế thừa những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thi hành Luật Công đoàn hiện hành và sửa đổi một số nội dung để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở nước ta.

Về việc gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là người nước ngoài, dự thảo quy định “người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập công đoàn, hoạt động tại công đoàn cơ sở”. Dự thảo luật cũng đã quy định cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam, do đó, người lao động là người nước ngoài không thể trở thành cán bộ công đoàn.

1.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về việc gia nhập công đoàn của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp, trong khi Chính phủ chưa ban hành Nghị định hướng dẫn về trình tự, thủ tục thành lập hoặc giải thể tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động, để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng quy định các điều kiện chặt chẽ như: bổ sung quy định về hồ sơ gia nhập, trình tự, thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam; quy định trách nhiệm, hệ quả pháp lý khi gia nhập Công đoàn Việt Nam và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Dự thảo cũng quy định về các trường hợp được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.

Về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, dự thảo không quy định trong luật việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của người lao động để bảo đảm linh hoạt, hài hòa; bổ sung quy định “Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn”; giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Phiên họp sáng 24-10.jpg
Phiên họp sáng 24-10. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về bảo đảm tổ chức bộ máy, cán bộ công đoàn, dự thảo đã thể chế hóa nhiệm vụ “nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp để tuyển dụng cán bộ trưởng thành từ công đoàn cơ sở, trong phong trào công nhân; thu hút, tạo động lực cho cán bộ công đoàn”.

Dự thảo giữ nguyên mức đóng kinh phí công đoàn 2% trên tổng quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thảo luận về dự thảo luật này, một số đại biểu đều đồng tình, trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, để có nguồn lực chăm lo cho người lao động, bảo đảm kinh phí hoạt động công đoàn bền vững thì mức thu 2% là hợp lý. Việc giữ ổn định quy định về nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động được thực hiện từ năm 1957 đến nay nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động, góp phần làm cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động.

Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) đề nghị, việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của người lao động cần có sự rõ ràng hơn, nhất là trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện cho người lao động ở doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) đồng ý để người nước ngoài tại Việt Nam tham gia công đoàn Việt Nam...

Tin cùng chuyên mục