Khuyên khách… lách luật
Tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM, có một số dự án chưa xây xong móng nhưng chủ đầu tư vẫn đưa vào kinh doanh, tức là bán lụi, chưa đủ điều kiện huy động vốn theo quy định của pháp luật. Đó là các dự án: Empire City Thủ Thiêm, chủ đầu tư là liên danh giữa Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái; The Metropole Thủ Thiêm, do Sơn Kim Land và Hongkong Land làm chủ đầu tư. Giới bất động sản đồn đoán, các dự án này đang thu hút người nước ngoài mua nhà.
Tại dự án Empire City Thủ Thiêm, ngoại trừ nhà mẫu “trồi” lên trên mặt đất thì hiện trạng là bãi đất trống, đang đào đất làm hạ tầng; tuy nhiên, một nhân viên kinh doanh cho biết đã mở bán một số tòa nhà từ năm 2016 đến nay. Trong các tòa nhà mở bán, hiện tại chỉ còn 3 căn hộ loại douplex (2 căn hộ thông tầng với nhau), diện tích mỗi căn 250m2, giá bán 52 tỷ đồng/căn, tức là 208 triệu đồng/m2.
“Khách mua nhà đứng tên bằng hình thức ký hợp đồng đặc cọc, giữ chỗ để mua căn hộ, còn công ty chưa ký hợp đồng mua bán căn hộ, tòa nhà đầu tiên sẽ ký hợp đồng mua bán trong quý 1 năm nay. Có một số khách hàng là người Hồng Kông đang cân nhắc ký hợp đồng mua bán hay là hợp đồng thuê dài hạn 50 năm. Bởi vì theo quy định, dự án chỉ có 30% số lượng căn hộ được bán cho người nước ngoài và được cấp sổ hồng, nhưng nếu dưới dạng “thuê” có thể mua được nhiều hơn và bán lại cho người Việt Nam để ra giấy chủ quyền”, một nhân viên kinh doanh dự án Empire City Thủ Thiêm cho biết.
Cách đó không xa là The Metropole Thủ Thiêm, cũng vẫn là bãi đất trống. Việc tiếp thị mở bán diễn ra tại trụ sở chủ đầu tư, trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3). Đại diện chủ đầu tư cho biết, công ty sở hữu 4 lô đất nằm “rời rạc” nhau, với tổng diện tích khoảng 7,6ha. Ngày 14-12 vừa qua mở bán giai đoạn 1, chỉ có 450 căn hộ, chiều cao 12 tầng, bắt đầu từ quý 1 năm nay mới làm móng tòa nhà; bên dưới là sàn thương mại, bên trên là căn hộ để ở. So với dự án Empire City Thủ Thiêm, giá bán của dự án này thấp hơn 3.200USD/m2 đối với căn hộ tầng thấp, còn penthouse giá 8.000USD/m2. Công ty bán nhà theo hình thức thu tiền giữ chỗ 200 triệu đồng/căn; nếu sau này khách hàng không mua sẽ được hoàn tiền lại; còn nếu mua, số tiền trên sẽ chuyển thành tiền thành tiền cọc. Một nhân viên kinh doanh cho biết, đợt mở bán vừa rồi, người nước ngoài mua hơn 50% số lượng căn hộ, ưu tiên những người mua dạng hợp đồng thuê, sẽ được chiết khấu 8%. Lý do chiết khấu cao là vì thủ tục người nước ngoài mua nhà nhiêu khê, hiện tại thủ tục chưa có hướng dẫn thực hiện; mặt khác, việc ký hợp đồng mua bán thì chỉ có 30% số lượng căn hộ trong dự án bán được. Do đó, chủ đầu tư “khuyên” khách là người nước ngoài nên mua dạng hợp đồng thuê, không có sổ hồng, tuy nhiên khi bán lại cho người Việt Nam thì lại được cấp sổ hồng vĩnh viễn. Vả lại, hợp đồng thuê thì thời hạn là 50 năm, nhưng hợp đồng mua bán thì người nước ngoài cũng chỉ sở hữu 50 năm; nói chung là không khác biệt nhiều. Nếu mua theo hình thức “hợp đồng thuê” vừa được giảm giá và số lượng không hạn chế, còn mua theo hình thức “ký hợp đồng mua bán” thì bị khống chế số lượng.
Tranh cãi
Liên quan đến việc người nước ngoài mua nhà, mới đây Công ty Nghiên cứu thị trường CBRE và Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã không đồng tình quan điểm của nhau. Theo đó, trong một báo cáo của CBRE nêu rằng có đến 31% khách hàng Trung Quốc mua nhà tại TPHCM, người Hồng Công chiếm 10%. Tuy nhiên, sau đó, Hiệp hội Bất động sản TPHCM lập tức lên tiếng cho rằng “thông tin như vậy gây nhiễu sóng cho thị trường”. Năm 2016, hiệp hội này thống kê có khoảng gần 1.000 người nước ngoài mua nhà tại TPHCM, con số này chắc chắn đã gia tăng trong 2 năm qua. Người nước ngoài thuộc khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, Nhật Bản thường lựa chọn thuê nhà ở; chỉ có người nước ngoài từ Hàn quốc, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc (bao gồm Hồng Công) có khuynh hướng mua nhà tại Việt Nam.
Tháng 8-2018, trong buổi đối thoại với doanh nghiệp, trả lời đại diện Hongkong Land Limited, đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết, Luật Nhà ở, Nghị định 99 của Chính phủ có quy định rõ về việc cấp giấy chứng nhận sở hữu cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, luật cũng quy định Bộ Công an, Bộ Quốc phòng xác định các dự án thuộc khu vực không cho phép người nước ngoài mua nhà ở vì liên quan đến an ninh quốc gia. Vấn đề này TPHCM đã báo cáo Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ và đang chờ hướng dẫn. Mới đây, khi trả lời phóng viên Báo SGGP, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết, thủ tục hướng dẫn người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa có. |
Nhận xét về tình trạng chưa có hướng dẫn mà người nước ngoài vẫn mua nhà tại Việt Nam, theo luật sư Hồ Ngọc Diệp, Đoàn Luật sư TPHCM, “là hành vi hết sức rủi ro cho người mua”. Vì việc mua bán không được pháp luật bảo hộ, nên nếu xảy ra tranh chấp, chắc chắn thiệt thòi sẽ thuộc về người mua. Trước đây, không hiếm trường hợp người nước ngoài mua nhà rồi nhờ người Việt Nam đứng tên hộ, sau đó kiện tụng kéo ra tòa, kết quả là người mua bị mất “cả chì lẫn chài”. Mặt khác, việc chủ đầu tư công bố có người nước ngoài mua nhà tại dự án của mình, không khéo đó là chiêu trò thổi phồng, đánh bóng cho sản phẩm. Do đó, đối với người Việt Nam, khi mua nhà nên xem xét vấn đề pháp lý như dự án đã đủ điều kiện được bán hay không, đã có bảo lãnh ngân hàng hay không, chứ không nên nghĩ rằng dự án đó đã có người nước ngoài mua rồi “nhào vào” mua theo mà quên các yếu tố theo quy định của pháp luật, dễ dẫn đến “tiền mất, tật mang” oan uổng.