Ngày 13-10, tại Quảng Ninh, Ủy ban Về các vấn đề Xã hội đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Công đoàn.
Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 tới.
Liên quan đến quyền gia nhập công đoàn của người lao động nước ngoài, do Bộ luật Lao động 2019 quy định cho phép người lao động là người nước ngoài làm việc hợp pháp tại Việt Nam được quyền gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam”.
Như vậy, Bộ luật đã gián tiếp thừa nhận quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của người nước ngoài lao động hợp pháp tại Việt Nam. Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn đang xây dựng Đề án thí điểm việc gia nhập công đoàn của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, sau thí điểm nếu phù hợp sẽ nghiên cứu bổ sung.
Về cơ chế tài chính công đoàn – vấn đề thu hút sự quan tâm của công luận thời gian gần đây, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 5 Điều 26, quy định về miễn, giảm kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 27 quy định việc trích kinh phí công đoàn cho các cấp công đoàn và cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; phân phối 75% cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nội dung chi từ nguồn kinh phí công đoàn (2%) cũng đã được làm rõ. Theo đó, kinh phí công đoàn được sử dụng cho các nhiệm vụ: chăm lo cho đoàn viên và người lao động; tổ chức hoạt động xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, hoạt động về giới và bình đẳng giới; tổ chức phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, thể thao do công đoàn phát động; chi quản lý hành chính tại các cơ quan công đoàn; chi đầu tư các thiết chế phúc lợi cho đoàn viên và người lao động.
Đoàn phí công đoàn và các khoản thu khác được chi theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Các ý kiến tại hội nghị nhất trí cần có kinh phí công đoàn do tính đặc thù riêng của tổ chức này so với các tổ chức chính trị khác, song cần tiếp tục quy định cụ thể hơn nữa về cách quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này, bảo đảm rõ ràng, minh bạch.