Lao vào tâm dịch
Sinh ra và lớn lên tại xã An Ngãi Trung, sau khi lấy bằng dược sĩ trung học thì chị Hồng Gấm về phục vụ tại trạm y tế xã từ 2009. Sau đó, chị Gấm vừa làm vừa học, rồi tốt nghiệp chuyên ngành Công tác xã hội tại Trường Đại học Mở TPHCM. Đến nay, ở tuổi 35, chị Gấm có hơn chục năm phục vụ, cống hiến cho tuyến y tế cơ sở tại quê nhà.
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Trạm y tế xã An Ngãi Trung ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào ngày 10-7, khoảng 1 tháng sau có tổng số 28 ca mắc Covid-19. Đây là lần đầu tiên dịch bùng phát đỉnh điểm tại địa phương, nên chị Gấm và hầu hết nhân viên ở trạm đều băn khoăn, lo lắng.
Chị kể: “Mình không dám về nhà, sợ lây bệnh cho người thân, gia đình. Thời gian đó, mình ở lại trạm trực 24/24 giờ, hỗ trợ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19”. May mắn là chồng chị làm cùng ngành nên anh và gia đình thấu hiểu, cảm thông với chị.
Nhưng sự vất vả, khó khăn ấy cũng đã để lại trong chị nhiều kỷ niệm đẹp với nghề. Ấn tượng nhất là lần đi lấy mẫu bệnh phẩm lúc 20-21 giờ đêm tại nhà người dân, khi trở về đường thì vắng mà chỉ có mình chị. Một bên là mương, một bên là hàng dừa, đường sình lầy lội, chị chạy xe mà cái bánh xe cứ trượt trượt. Dù rất sợ té, chị vẫn cố gắng hoàn thành công việc.
Chị Gấm hóm hỉnh: “Nói là làm xong việc chứ biết khi nào mới xong. Làm hơn 100% sức lực ấy chứ! Lúc nào mệt thì nằm nghỉ chút, rồi ngồi dậy để san sẻ công việc với các anh chị khác trong cơ quan”.
Do cơ quan chỉ có 6 người, chị Gấm là người địa phương, thông thạo địa bàn nên kiêm rất nhiều công việc. Bất kể thời tiết nắng mưa, ngày hay đêm, chị tham gia truy vết các trường hợp F1, F0; lấy mẫu, phục vụ y tế trong khu cách ly; tiêm vaccine; hỗ trợ xe y tế đưa F1 đi cách ly, dẫn đường cho đội phun khử khuẩn, tham gia đội phản ứng nhanh, tổ công tác đặc biệt phòng chống dịch Covid-19, tổ công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm biện pháp phòng chống dịch, điều tra xác minh những trường hợp nhập cảnh… Chị phải mặc bộ đồ bảo hộ cả ngày, lúc cởi ra thì cũng đã 11-12 giờ khuya. “Người mệt nhoài vì cơ thể bị mất nước quá nhiều, giờ sinh học gần như bị đảo lộn hoàn toàn!”, chị Gấm nhớ lại.
Trần Thị Hồng Gấm là một trong 15 cá nhân tiêu biểu của tỉnh Bến Tre được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Chị cũng là cá nhân duy nhất của tỉnh Bến Tre được chọn tham gia buổi gặp mặt Chủ tịch nước nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại Hà Nội vừa qua. |
Tấm gương tiêu biểu
Tuy năng nổ trong công việc, chịu nhiều vất vả ở thời điểm dịch bệnh bùng phát nhưng mức lương của chị Gấm chỉ hơn 5 triệu đồng, không có phụ cấp làm thêm giờ, đến thời gian sau này mới được hỗ trợ. Chị Gấm bộc bạch, chị làm với tinh thần trách nhiệm, không nghĩ đến chuyện lương bổng mà chỉ cố gắng góp phần khống chế dịch bệnh, không để lây lan diện rộng trong cộng đồng. Nhờ sự nỗ lực của tập thể Trạm y tế xã An Ngãi Trung và cá nhân chị Hồng Gấm mà sau 3 tháng, tại tuyến y tế cơ sở này không phát sinh ca mắc Covid-19 mới.
Ông Nguyễn Trung Nam, Phó trưởng Trạm y tế xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, nhận xét: Chị Gấm có tinh thần làm việc tích cực, năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động, đặc biệt là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chị tham gia hầu hết các hoạt động và thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, đồng thời là người chịu khó học hỏi và tích cực trong phong trào Đoàn.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bến Tre cũng ghi nhận những nỗ lực, sự tận tâm của chị Hồng Gấm trong việc góp phần bảo vệ sức khỏe ban đầu của người dân, phát huy vai trò của y tế cơ sở trong phòng chống dịch Covid-19.
“Hồng Gấm là một người nhiệt tình, có trách nhiệm, trong đợt dịch vừa qua đã cống hiến hết mình, phục vụ tận tâm, cùng với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện, tỉnh đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới”, ông Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre, đánh giá.