Mong nhìn mặt con lần cuối
Từ khi nghe tin con trai là nạn nhân mất tích trong vụ chìm tàu trên vùng biển Trường Sa, ông Đoàn Văn Nhất (trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành) đã thức trắng 2 đêm, khóc cạn nước mắt vì thương con.
Cha, mẹ và vợ của ngư dân Đoàn Văn Chí vẫn bần thần khi hay tin người thân mình mất tích. Ảnh: PHẠM NGA |
Được biết, ông Nhất là cha của anh Đoàn Văn Chí (24 tuổi), ngư dân nhỏ tuổi nhất trong số 13 ngư dân đang mất tích.
Theo ông Nhất, con trai bắt đầu làm biển từ khi 16 tuổi, vì sinh ra và lớn lên ở biển nên Chí quyết định chọn nghề biển để mưu sinh.
Cách đây 3 năm, Chí lập gia đình và có được một người con, vợ Chí là chị Nguyễn Thị Trần Chung (25 tuổi) là công nhân may tại một xí nghiệp may trên địa bàn huyện Núi Thành.
Ông Nhất vẫn mong chờ phép màu sẽ cứu người con trai 24 tuổi của mình. Ảnh: PHẠM NGA |
Ông Nhất cho biết, ngày 17-10, khi đang làm sắt tại một phân xưởng gần nhà thì hay tin tàu câu mực bị lốc xoáy đánh chìm. Vội vã chạy về nhà để xác minh, ông Nhất như chết lặng khi thấy tên con mình nằm trong danh sách những người đang mất tích.
Dù biết là mong manh nhưng ông Nhất vẫn nuôi hy vọng rằng con mình đang trôi dạt đâu đó và sẽ sớm được cứu sống. “Thương nó còn quá trẻ! 24 tuổi, còn biết bao ước mơ hoài bão, còn chưa kịp dắt tay con đến trường học… Còn tìm kiếm là còn hy vọng. Mong sao phép màu nào đó hãy cứu lấy nó, cho nó được bình an trở về mà chăm lo cho vợ con”, ông Nhất nói trong nước mắt.
Cạnh ông Nhất, bà Phạm Thị Ngoạt (mẹ ngư dân Chí) nước mắt cứ lăn dài. Đôi lúc, nghe thấy tên con thì bà lại khóc nấc lên. Vừa phục hồi sau cơn tai biến kinh hoàng, nay hay tin con mất tích trên biển, nỗi đau quá lớn khiến bà Ngoạt dường như không thể trụ vững.
“Đã 3 ngày trôi qua, vẫn chưa có tin tức gì, dù kết quả có ra sao tôi cũng mong được nhìn mặt con lần cuối…”, bà Ngoạt khóc ngất.
Còn tìm là còn hy vọng
Về với thôn Đông An, xã Tam Giang (huyện Núi Thành) những ngày qua, người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghe tin 2 tàu câu mực bị chìm khiến 2 người chết và 13 người mất tích.
Đã bước sang ngày thứ 3, sân nhà chị Trần Thị Nguyệt (vợ lái tàu Phạm Văn Đào) vẫn đông đúc người ra vào để hỏi thăm và ngóng tin về những người mất tích.
Theo chị Nguyệt, anh Phạm Văn Đào là lái tàu QNa 90927TS bị chìm sáng ngày 17-10 và ông là người may mắn được cứu sống. Tuy nhiên, với cú sốc quá lớn khi chứng kiến sự biệt tích của nhiều thuyền viên khác khiến ông Đào suy sụp hoàn toàn, phải nhờ tới sự chăm sóc của bác sĩ.
Bà Trần Thị Nguyệt, vợ lái tàu Phạm Văn Đào. Ảnh: PHẠM NGA |
“Hành nghề mấy chục năm trời, tai nạn là điều không ai mong muốn, nhưng sao lại đau đớn tới mức này. Tài sản mất trắng đã đành, còn người thì không biết sống chết ra sao… Giờ chỉ cầu mong cơ quan chức năng tổ chức tìm kiếm, sớm đưa những ngư dân mất tích trở về nhà”, bà Nguyệt hy vọng.
Nghe tin cha gặp nạn trên biển, Phạm Văn Phước (con trai ông Đào, đang đi làm ở Bình Dương) liền đón xe về nhà chia sẻ nỗi lo cùng mẹ. “Trên đường về, nghe mẹ nói cha được cứu sống, em mừng lắm. Mong sao có phép màu nào đó giúp tìm thấy được 13 ngư dân còn mất tích, để họ sớm được trở về nhà giống như cha em”, Phước nói.
Hàng xóm, người thân thay nhau đến động viên các gia đình có người gặp nạn. Ảnh: PHẠM NGA |
Dọc con đường làng thôn Đông An, cứ cách vài chục mét là có nhà của ngư dân mất tích. Khác với hình ảnh vui mừng, phấn khởi mỗi khi nghe tin tàu vào bờ, không khí đau thương như bao trùm cả làng quê nghèo ngày hôm nay.
Thời gian càng trôi đi, hy vọng càng mong manh, nhưng người thân của 13 ngư dân còn đang nằm đâu đó trên biển vẫn không một giây phút nào từ bỏ, với họ còn tìm kiếm là còn hy vọng.
Sau hơn 2 ngày tìm kiếm, đến nay vẫn chưa phát hiện thêm người mất tích của 2 tàu bị chìm. Trên hiện trường vẫn còn 10 phương tiện gồm 3 tàu của các lực lượng chức năng, 7 tàu của ngư dân vẫn tiếp tục tham gia tìm kiếm.
Trong khi đó, các ngư dân được cứu sống cùng với 2 thi thể vớt được dự kiến sẽ được đưa về cảng An Hòa (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) vào trưa ngày 20-10.