Người nghỉ hưu bị khởi tố, có được lãnh lương hưu?

 Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, người đang hưởng lương hưu mà bị phạt tù giam từ ngày 1-1-2016 trở đi thì lương hưu vẫn được nhận trong thời gian chấp hành hình phạt tù.

Người nghỉ hưu bị kỷ luật, thậm chí bị khởi tố, thì các chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH) được giải quyết cụ thể thế nào trong thời gian thụ án trong trại giam? (Bạn đọc có email bthien19…@gmail.com)

Phó Giám đốc BHXH TPHCM NGUYỄN THỊ THU: Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, người đang hưởng lương hưu mà bị phạt tù giam từ ngày 1-1-2016 trở đi thì lương hưu vẫn được nhận trong thời gian chấp hành hình phạt tù. Quyền lợi về BHXH của người bị phạt tù vẫn được đảm bảo.

Tôi tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1947. Năm 1958 tôi chuyển ngành và công tác đến năm 1993 thì nghỉ hưu. Lương hưu hiện nay của tôi gần 6 triệu đồng/tháng. Tôi đang bị bệnh hiểm nghèo và có thể ra đi vào năm 2019. Khi tôi chết, vợ tôi (64 tuổi) được hưởng tiền tuất mỗi tháng khoảng bao nhiêu? Có thể lãnh tiền tuất một lần được không? (NGUYỄN HỮU TƯ, quận Bình Tân, TPHCM)

 Người đang hưởng lương hưu khi chết thì thân nhân sẽ được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, bao gồm: 1- con chưa đủ 18 tuổi. 2-  vợ từ đủ 55 tuổi trở lên. 3- cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng trên độ tuổi lao động, hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. 

Nếu không có thân nhân hưởng tiền tuất hàng tháng, hoặc có thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng nhưng có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần (trừ trường hợp con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên) thì sẽ giải quyết tuất một lần. Giả sử với các thông tin ông nêu (cha mẹ 2 bên không còn; con trên 18 tuổi) thì vợ ông sẽ được hưởng các khoản sau: mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở, cấp cho người lo mai táng. Nếu vợ ông có thu nhập trên mức lương cơ sở thì được hưởng tuất một lần, bằng 3 tháng lương hưu. Nếu vợ ông không có thu nhập hoặc có thu nhập dưới mức lương cơ sở nhưng không chọn hưởng tuất một lần thì được giải quyết tuất hàng tháng bằng 50% lương mức cơ sở (hiện nay là 1.390.000 đồng/tháng). 

 Mẹ tôi 86 tuổi, tháng 8-2018 bị té gãy cổ chân trái, có giấy chuyển viện của bác sĩ từ Lâm Đồng về Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên, gia đình lại không đưa tới Bệnh viện Chợ Rẫy mà đưa mẹ tôi vào Bệnh viện ITO (quận Tân Bình) mổ và điều trị hết 130 triệu đồng, có đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Sau đó, gia đình tôi làm thủ tục thanh toán BHXH về huyện Di Linh (Lâm Đồng), được BHXH Di Linh thanh toán 50 triệu đồng. Vì sao gia đình không được nhận lại 130 triệu đồng? (TRẦN VĂN HÙNG, quận Tân Phú, TPHCM)

Mẹ của ông điều trị tại Bệnh viện ITO Tân Bình là cơ sở khám chữa bệnh không ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), nên được quỹ BHYT thanh toán theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch 41/2014 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Việc thanh toán với mức hưởng như trên là đúng theo quy định hiện hành.

Tôi là đại tá quân đội nghỉ hưu, có thẻ BHYT khám và điều trị tại Bệnh viện Quân y 175. Tôi bị té ngã trong nhà tắm, gãy cổ chân phải vào tháng 10-2017, gia đình đưa vào Bệnh viện ITO để cấp cứu và điều trị hết số tiền 80 triệu đồng. Đến nay, tôi vẫn chưa làm thủ tục về BHXH quận Tân Phú để BHXH thanh toán lại số tiền tôi đã bỏ ra điều trị như trên. Vậy tôi có được thanh toán lại số tiền trên hay không? (NGUYỄN GIA NHUỆ, quận Tân Phú, TPHCM)

Quyết định số 1399 ngày 22-12-2014 của BHXH Việt Nam quy định việc thanh toán trực tiếp như sau: cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT phát sinh trong năm tài chính đến hết quý 1 năm sau. Trường hợp của ông, điều trị bệnh tại Bệnh viện ITO là cơ sở khám chữa bệnh không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH vào tháng 10-2017 và đến thời điểm hiện nay đã quá thời hạn để làm hồ sơ thanh toán. Rất mong ông thông cảm.

Tin cùng chuyên mục