Người mua vi phạm, nhưng máy đâu có "tội tình gì", phong tỏa vô cùng lãng phí

Cuối phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng 9-11, thảo luận về việc ban hành Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án hình sự, đại biểu (ĐB) Trần Khánh Thu (Thái Bình) nêu vấn đề, trong vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai, hệ thống trang thiết bị hiện đại cho phép phẫu thuật xâm lấn tối thiểu bị “phong tỏa” là một sự lãng phí vô cùng lớn.

Bày tỏ tán thành việc ban hành nghị quyết, ĐB - bác sĩ Trần Khánh Thu trăn trở: “Thực tế có những vụ án lớn kéo dài hàng năm, khi cơ quan điều tra tạm giữ, kê biên và cấm giao dịch thì đến khi giải quyết xong có những tài sản trong quá trình điều tra truy tố xét xử đã bị hỏng hóc, xuống cấp không thể dùng được nữa”.

tran-khanh-thu-5776.jpg
ĐB Quốc hội - bác sĩ Trần Khánh Thu (Thái Bình). Ảnh: QUANG PHÚC

Một ví dụ rất điển hình được ĐB nêu là vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai, khi hệ thống trang thiết bị hiện đại cho phép phẫu thuật xâm lấn tối thiểu bị “phong tỏa”.

“Cái máy không có tội tình gì và thực tế đây là hệ thống trang thiết bị hiện đại cho phép phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, giảm thiểu ảnh hưởng đến các mô lành, có độ chính xác gấp 3 lần so với phẫu thuật bình thường, giảm tai biến và giúp người bệnh mau hồi phục, thực sự có giá trị điều trị rất tốt. Hệ thống máy để đấy và với thiết bị điện tử 1-2 năm không hoạt động là một sự lãng phí vô cùng lớn”, bà Khánh Thu nhìn nhận.

PHẠM VĂN HOÀ.jpg
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Khánh Thu và nhiều ĐB khác có cùng quan điểm về cho rằng phạm vi điều chỉnh như tại dự thảo nghị quyết vẫn còn rất hạn hẹp (chỉ thí điểm xử lý vật chứng tài sản thu giữ bị tạm giữ kê biên phong tỏa trong một số vụ việc vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực chỉ đạo); có thể mở rộng với các vụ án nghiêm trọng khác. Loại ý kiến này đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng cho những vụ án thuộc diện ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cho phép chuyển nhượng, mua bán, thậm chí bán đấu giá những tài sản đủ điều kiện, đảm bảo hạn chế thấp nhất tình trạng hư hỏng, mất giá, vừa gây thiệt hại cho người có tài sản, vừa gây vướng mắc, khó khăn cho các cơ quan thi hành án (phải trông giữ, bảo quản…). Thời gian thí điểm 5 năm, theo ĐB là “lâu quá”, nên là 3 năm và có thể ngắn hơn, nếu qua tổng kết, đánh giá tình hình thấy đã chín, đã rõ.

HT NGÀY 9.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng quan điểm, các ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Nguyễn Văn Quân (Hậu Giang)… nhấn mạnh yêu cầu có cơ chế giám sát độc lập và công khai quá trình xử lý tài sản; giải quyết tranh chấp, khiếu nại để đảm bảo quyền lợi, đảm bảo công bằng bình đẳng cho tất cả các bên có liên quan.

ĐB Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) đề xuất thêm, khi người bị buộc tội đã nộp đầy đủ tiền tương đương giá trị tài sản bị kê biên thì cần quy định họ có quyền lấy lại và định đoạt tài sản, chứ không chỉ được giao “bảo quản” tài sản của chính mình. “Vả lại, khi đang bị tạm giam tạm giữ thì việc bảo quản tài sản cũng bất khả thi”, ông Chính nêu rõ.

Lấy ví dụ từ vụ án liên quan Tập đoàn Tân Hoàng Minh, khi người bị buộc tội đã nộp đủ tiền để khắc phục hoàn toàn hậu quả, ĐB cho rằng có thể trả tiền ngay cho bị hại thay vì phải gửi vào kho bạc, gây thiệt hại vì tiền bị đóng băng không được đưa vào lưu thông, khiến những người có quyền và lợi ích chính đáng bức xúc.

“Không nên dừng ở các vụ án tham nhũng, vốn rất ít so với thông thường, nếu chỉ thí điểm án tham nhũng thì không thay đổi được thực trạng vướng mắc hiện nay”, ĐB Nguyễn Hữu Chính góp ý.

Tin cùng chuyên mục