Bà Trần Thị Năm có 4 người con. Một người đã mất từ nhỏ, 3 người còn lại theo cách mạng đều hy sinh. Khi các con vào cứ tham gia kháng chiến, bà ở nhà nuôi giấu cán bộ cách mạng, làm giao liên.
Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, bà đi lại như con thoi từ nội thành lên căn cứ An Nhơn Tây, Phú Hòa Đông, Hố Bò... ở Củ Chi. Bà phải vượt qua các đồn bót kiểm tra thắt ngặt, vận chuyển tiền bạc, thuốc men và truyền tải các thông tin, chỉ đạo đến các địa điểm được giao. Bà thường nói về chuyện đi theo cách mạng, chịu gian khổ, có thể hy sinh, tù đày... là do con bà theo cách mạng, còn bà thì... theo con! Đối với một nhiệm vụ to lớn, bà chọn cho mình một lý do đơn giản: xuất phát từ tấm lòng của người mẹ. Hồi kháng chiến, bà nuôi giấu nhiều lãnh đạo Gò Vấp, Hóc Môn.
Giải phóng rồi, bà cũng được đề nghị sắp xếp tham gia công tác chính quyền, nhưng một mực từ chối vì: Ít chữ nghĩa, tham gia làm gì, không nghe “sai con tán (toán), bán con trâu” à?
Cô Trần Thị Hà năm nay 52 tuổi, là cháu họ gọi bà Bảy là bà cô. Cô là đứa bé bà Bảy cưu mang từ lúc mới sinh được 3 tháng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cô Hà hiện là Trưởng phòng Hành chính Quản trị, Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ TPHCM.
Cô Hà kể lại: Chuyện xảy ra năm 1972, bà Bảy lúc đó đã mất 2 người con trong lúc chiến đấu là liệt sĩ Nguyễn Văn Hai và liệt sĩ Nguyễn Thị Tư, còn lại một người con gái út tên Nguyễn Thị Kim Chi đang tham gia chiến đấu tại Hố Bò, Củ Chi. Cô Chi nhắn về cho mẹ: “Con đang thèm bánh tét, má có lên nhớ đem nếp, đường đậu để nấu bánh tét”. Vậy là, bên cạnh những vật dụng của tổ chức yêu cầu, bà Bảy chuẩn bị các món mà gái út mong. Bà nghĩ đến giây phút được ôm đứa con gái vào lòng và những đòn bánh tét nóng hổi cho bộ đội giữa địa đạo trong ngày tết.
Chưa kịp đem quà lên cho con, bà đã nghe hung tin: Con gái út, người con còn lại duy nhất của bà, cũng đã hy sinh sau một trận càn vào đúng ngày đưa ông Táo về trời, 23 tháng Chạp. Nỗi đau khôn nguôi, bà cứ như người mất hồn. Sau đó, bà nhận nuôi cô Hà lúc còn đỏ hỏn, như một liệu pháp tâm lý để phôi pha nỗi buồn của người mẹ mất con. Bà lúc ấy đã 52 tuổi, một nách nuôi cháu mọn, một thân lầm lũi đi làm giao liên cho cách mạng.
Sau giải phóng, bà về lại quê xưa, dựng lại mái nhà, không có đất trồng trọt, bà thuê một miếng đất nhỏ trồng rau, sống qua ngày. Khi bà không còn sức làm việc ngoài đồng, bà nấu rượu nếp bán, sống một cuộc đời thanh bạch trong vòng tay chăm sóc của bà con chòm xóm.
Nhà bà thường tổ chức đám giỗ cho cả 3 người con đã mất vào ngày 23 tháng Chạp. Đám giỗ nhà bà thường khoảng 40 người, có cả 2 “phe” xưa ở 2 chiến tuyến, nay ở cùng địa phương, bà coi như con cháu, mời dự đám giỗ không phân biệt. Bà thường nói: “Chuyện xưa qua rồi bỏ đi, tụi bây sống phải như anh em một nhà, cùng nhau giúp đỡ mà sống, xây dựng quê hương”. Ký ức về một thời đã qua, khi có ai hỏi về những mất mát, hy sinh, bà đều nói nhẹ tênh: “Hồi đó, chiến tranh mà”. Một câu trả lời đầy tình người rộng lượng, nhân ái.
Không chỉ đáng kính trong cách ứng xử ở đời, má Bảy Thạnh Lộc như chiếc cầu nối giữa người dân và chính quyền. Đường xấu, cầu hư... đi lại khó khăn cho dân, bà gặp cán bộ lãnh đạo yêu cầu khắc phục một cách kiên quyết. Thấy chuyện hành xử sai trái của chính quyền, bà cũng “thẳng mực tàu” mà góp ý. Gặp người khốn cùng, đi cải tạo về, không ai cưu mang, dù còn khó khăn bà vẫn hào phóng đem về nhà đùm bọc, nuôi dưỡng, dựng vợ cho…
Lúc sinh thời, khi nói chuyện, bà thường nói đi nói lại một chân lý của riêng bà: Mình là dân, làm chủ theo cách của dân, cứ theo chuyện dân mà làm, mà sống! Một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, sống đời bình dị, nhân ái, minh mẫn... đến lạ thường!
Năm 1994, bà được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Bà được trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba năm 1985, Huân chương Kháng chiến hạng nhì năm 1990. Đến ngày 2-6-2007 bà mất ở nhà riêng, hưởng thọ 87 tuổi. Vào năm 2020, HĐND TPHCM đã quyết định lấy tên bà Trần Thị Năm đặt tên cho một con đường tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12.