Nhiều nguy cơ
Mới đây, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.L. (34 tuổi, ngụ tại TPHCM) nhập viện trong tình trạng ho nhiều, khó thở và khò khè. Tại phòng khám Hen - COPD, bác sĩ cho biết chị L. bị hen phế quản cấp. Cách đây 3 tháng, chị L. được chẩn đoán mắc hen suyễn và điều trị ngoại trú. Hơn 3 tuần nay, thấy sức khỏe ổn định, chị L. tự ý ngưng uống thuốc. Vài ngày sau, các triệu chứng khó thở nặng, ho nhiều khiến chị phải nhập viện cấp cứu. Ngay sau khi nhập viện, người bệnh được cho thở oxy, phun khí dung thuốc giãn đường thở, tiêm thuốc corticoid. Theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến tình trạng của chị L. diễn tiến xấu hơn là do tự ý ngưng thuốc, và khi triệu chứng trở nặng đã không biết cách sử dụng thuốc cắt cơn hen đúng lúc.
PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, BV Đại học Y Dược TPHCM, chia sẻ, hen suyễn là bệnh mạn tính đòi hỏi phải điều trị lâu dài, người bệnh cần tuân thủ điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu không kiểm soát tốt, người bệnh dễ lên cơn hen cấp, khó thở nặng, phải nhập viện cấp cứu. Trong trường hợp không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có nguy cơ suy hô hấp, khó thở dẫn đến tử vong.
Không may mắn như chị L., cuối tháng 5 vừa qua, BV Đại học Y Hà Nội đã ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. PGS-TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, BV Đại học Y Hà Nội, cho biết, bệnh nhân nam (85 tuổi, ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội) có tiền sử bệnh phổi mạn tính tâm phế mạn, điều trị ngoại trú tại nhà và tái khám theo lịch hẹn. Bệnh nhân có tình trạng khó thở và lẽ ra phải quay trở lại BV tái khám, tuy nhiên do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên ngần ngại không đến. Đến khi được người nhà đưa đến BV cấp cứu thì đã trong tình trạng nguy kịch.
Mặc dù thấu hiểu tâm lý lo sợ của bệnh nhân khi phải đến BV trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhưng PGS-TS Hoàng Bùi Hải khuyến cáo, các trường hợp có bệnh nền cần giữ liên hệ với bác sĩ qua các kênh khác nhau để tiếp tục được dùng thuốc và theo dõi tình trạng bệnh, không nên tự xử lý ở nhà. Nếu bệnh nhân có bệnh nền có các biểu hiện bất thường như khó thở tăng, mệt mỏi, đau ngực, vã mồ hôi, không tỉnh táo thì buộc phải báo người nhà đưa đi cấp cứu kịp thời.
Chú ý phòng ngừa
Theo PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, triệu chứng lâm sàng điển hình của hen suyễn là ho, khò khè, khó thở và nặng ngực. Tuy nhiên, cũng có nhiều người bệnh hen suyễn chỉ khó thở đơn thuần, hoặc có người bệnh chỉ lên cơn suyễn khi giao mùa. Chính vì vậy, triệu chứng của bệnh suyễn rất đa dạng và rất khó để phát hiện nếu không có các xét nghiệm chuyên sâu. Trên thực tế đã có không ít người bệnh phải nhập viện cấp cứu vì không tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình tự điều trị tại nhà. Một trong những lý do thường gặp là người bệnh không tiếp cận được với những trung tâm chăm sóc và quản lý hen suyễn, tin dùng các loại thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc để tự điều trị.
Bên cạnh đó, nhiều người bệnh lạm dụng hoặc không biết cách sử dụng thuốc cắt cơn hen suyễn cấp. “Việc sử dụng thuốc chiếm 50% tỷ lệ thành công trong việc kiểm soát bệnh, 50% còn lại phụ thuộc vào việc người bệnh và người nhà người bệnh chú ý phòng ngừa các yếu tố nguy cơ. Người bệnh cũng tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc hoặc sử dụng thuốc không theo đơn của bác sĩ. Điều này có thể gây ra sốc phản vệ và dẫn tới tử vong trong thời gian rất ngắn”, bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan khuyến cáo.
Cùng với hen suyễn, các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp cũng là các bệnh lý âm thầm nhưng có thể khiến người bệnh rơi vào tình trạng nguy hiểm nếu như tự ý điều trị tại nhà, không tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Do vậy, bên cạnh việc tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch của Bộ Y tế, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh đang điều trị bệnh mạn tính cần kiểm tra lại ngay cơ số thuốc mình hiện có. Nếu còn ít thì cần gọi điện thoại cho bác sĩ điều trị hoặc phòng khám chuyên khoa mà mình đang được theo dõi để bổ sung kịp thời, uống thuốc đầy đủ theo chỉ định. Người bệnh cần kiểm tra và chắc chắn rằng đã có các trang thiết bị y tế cơ bản như nhiệt kế, máy đo huyết áp… để sử dụng khi cần thiết. Trong trường hợp có chỉ định tái khám, cần đến gặp bác sĩ và phải đeo khẩu trang, thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của cơ sở y tế.
Nếu có các triệu chứng khó thở, nặng ngực, mệt mỏi ngày càng tăng dần hoặc huyết áp, tần số tim không ổn định, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị để nhận được hướng dẫn xử trí phù hợp. Nếu bị các triệu chứng nặng như khó thở, đau ngực nhiều, tím tái, lú lẫn… thì cần gọi ngay đơn vị cấp cứu để được chuyển đến BV gần nhất.
Về chế độ sinh hoạt, người mắc bệnh mạn tính cần duy trì lối sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ. Nên vận động vừa sức, đảm bảo hạn chế tiếp xúc theo các quy định phòng chống dịch và có chế độ ăn uống khoa học, đủ dưỡng chất. Bên cạnh đó, người bệnh nên ngủ đủ giấc, không căng thẳng quá mức và không lạm dụng bia rượu, các chất kích thích. Đặc biệt, không uống thuốc bổ vô tội vạ, bởi nếu sử dụng không đúng cách có thể gây ra tình trạng tương tác với thuốc điều trị, quá tải các thành phần khoáng chất, mà nghiêm trọng nhất là quá tải sắt có thể dẫn đến tử vong. |