Người lưu giữ hồn phố xưa, nhà cổ

Nguyễn Văn Dũng - nhân vật chính đã cuốn hút tôi bằng những phố Hàng, phố Bến, phố Cửa và việc lưu lại hình ảnh, ký ức phố cổ thành Nam bằng những mô hình mà anh đang thực hiện.

Những con phố gợi nhớ nhiều kỷ niệm

Tôi biết Dũng qua vợ anh - Minh Ngà, sau lần cô đăng bài về mô hình một ngôi nhà cổ trên một diễn đàn Facebook. Nếu không nói đây là mô hình, tôi sẽ nghĩ những hình ảnh đó là của một ngôi nhà ở đâu đấy. Hỏi thêm thì Ngà cho biết đó là tác phẩm của chồng cô và hiện họ đang sinh sống tại Nam Định. Tôi đã kết bạn với Dũng với ý nghĩ một ngày nào đó sẽ về thành Nam thăm anh.

Giờ thì chúng tôi ngồi đây, tại số nhà 115 phố Minh Khai. Gọi là nhà nhưng đây thực tế là cửa hàng buôn bán của vợ chồng Dũng. Và gọi là cửa hàng nhưng diện tích ở đây chưa đầy 10m², chỉ đủ cho họ bán đồ uống giải khát và mấy thứ văn phòng phẩm. Tuy nhiên, theo như Dũng cho biết, Nam Định trước đây cũng có rất nhiều phố Hàng, phố Bến và phố Cửa.

Thời xưa, người dân buôn bán, sản xuất mặt hàng gì thì phố mang tên mặt hàng đó. Chẳng hạn như ở phía Đông trên bờ sông Vị, dân thôn Thi Thượng làng Vị Hoàng lập ra dãy phố ở ven sông cho người buôn bè: luồng, nứa, tre, đan cót, bồ, sọt, thúng… đặt tên thành phố Hàng Cót, rồi Hàng Nâu (củ nâu nhuộm vải).

Người Bát Tràng ở Gia Lâm đưa hàng xuống bán thì lập Hàng Bát, các phố tiếp theo là Hàng Mâm (mâm gỗ, chòng tre), Hàng Song (song, mây, lá gồi). Đến cuối thế kỷ 19, các phố này có tên chung là phố Vinh Thuận, sau khi Pháp chiếm thành đặt là Protectorat, nay là phố Minh Khai.

Trên phố Minh Khai hiện không còn nhiều những ngôi nhà có kiến trúc cổ, có chăng là một ngôi nhà cổ mang phong cách Việt. Đối diện với cửa hàng của Dũng và đặc biệt là ngôi nhà số 280 Hàng Nâu cũ (nay thuộc phố Minh Khai), là nơi ở của nhà thơ Tú Xương nổi tiếng với bài Thương vợ cùng những câu thơ nói về cảnh buôn bán của vợ ông ở thành Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Tuy vậy, Dũng chỉ đưa tôi đi qua ngôi nhà của nhà thơ Tú Xương cũng như nơi ở thời thơ ấu của nhạc sĩ Đặng Thế Phong - tác giả ca khúc nổi tiếng Giọt mưa thu ở số 7 phố Hàng Đông mà không dừng lại, vì anh muốn tôi có cơ hội ngắm nhìn kỹ hơn những kiến trúc cổ đặc trưng của thành Nam. Đó là cổng vòm nơi ngõ Văn Nhân, hiệu thuốc Tế Mỹ Đường trên phố Trần Hưng Đạo và đặc biệt là ngôi nhà số 140 Hàng Tiện, con phố mà gia đình anh sinh sống trước đây.

Không có gì ngạc nhiên khi ngôi nhà hai tầng mang phong cách Pháp này trở thành tác phẩm đầu tiên của anh vào năm 2019. Điều đáng nói là nếu nhìn mô hình theo tỷ lệ 1:35 ra sao rồi nhìn ngôi nhà bên ngoài thì giống và chính xác như vậy, từ thiết kế, từng cửa sổ… cho đến màu sơn.

Sau đấy, chúng tôi ghé qua số nhà 90 phố Hai Bà Trưng. Trước đây, con đường này nối các phố với nhau chạy theo hướng Bắc Nam từ chợ Rồng xuống sông Đào gồm: Hàng Màn (vải màn), Hàng Rượu, Hàng Thiếc, Hàng Đàn, được người Pháp đặt là Rue France. Dũng tâm sự, mô hình số nhà 90 phố Hai Bà Trưng nằm trong dãy 8 ngôi nhà cổ của thành Nam mà anh đang thực hiện cho một khách hàng người Nam Định sinh sống tại Hà Nội.

Thu thành Nam vào những mô hình

Để làm một mô hình nhà theo tỷ lệ quốc tế 1:35, với những phần việc như xác định ngôi nhà cần làm, chụp hình công trình ở nhiều góc khác nhau, đo đạc rồi chia tỷ lệ, lên bản vẽ, vẽ phác thảo lên vật liệu formex rồi cắt gọt, Dũng sẽ mất khoảng 1 tháng và 2 tháng đối với những mô hình lớn hơn, chẳng hạn như tòa soạn Báo Hà Nội Mới mà anh vừa hoàn thành cho một khách hàng, cũng tại Hà Nội. Tuy nhiên, để biến niềm đam mê, thú chơi cá nhân thành một công việc nghiêm túc, giúp anh có thêm thu nhập và quan trọng hơn là lưu giữ một phần hình ảnh phố Hàng, phố Bến và phố Cửa của thành Nam, đó là cả một chặng đường dài.

Mô hình trụ sở Báo Hà Nội Mới
Mô hình trụ sở Báo Hà Nội Mới

Lợi thế của Dũng là anh lớn lên trong một gia đình làm nghề mộc, đồ gỗ mỹ nghệ ở Hàng Tiện. Từng ngồi hàng giờ đục đẽo, khắc chạm, nhưng vốn ưa thích cuộc sống tự do, anh cũng chịu khó học và làm thêm nhiều nghề như quảng cáo, in ấn, thiết kế và kiến trúc. Thế rồi từ chỗ đam mê đồ chơi mô hình như xe cộ, nhà cửa, anh tìm tòi, mày mò làm những mô hình kiến trúc. Ban đầu là phục vụ cho công việc làm mô hình sa bàn tại Công ty cổ phần Phát triển xây dựng và kiến trúc Đông Tây, sau là anh muốn lưu lại những hình ảnh xưa cũ của thành Nam đang dần biến mất do quá trình đô thị hóa.

Thực tế là so với phố cổ Hà Nội, phố cổ thành Nam giờ không còn nhiều phố Hàng, phố Bến và phố Cửa nữa, phần vì nhiều con phố đã được đổi tên hay được nhập vào phố khác. Thế nên, thành Nam một thời “Phố phường trên bộ, vạn chài dưới sông” trong “Thành Nam cảnh trí” chỉ còn trong những câu ca dao, ký ức của những lớp người cũ và phần nào đó ở những người thuộc thế hệ đầu 8x như Nguyễn Văn Dũng.

Dũng tâm sự rằng, anh ước gì mình có thật nhiều thời gian để có thể thu nhỏ những kiến trúc cổ của thành Nam vào mô hình, một sa bàn hay lớn hơn nữa là một phòng trưng bày, như phòng trưng bày sách, báo, tạp chí nổi tiếng của nhà sưu tập Nguyễn Phi Dũng, cũng là một người con của Nam Định.

Ít nhất thì cho đến giờ, niềm đam mê với mô hình kiến trúc và những việc chàng trai sinh năm 1984 đang làm cho thành Nam, cũng như cho Hà Nội với những mô hình số nhà 36 phố Châu Long, số 22 phố Nguyễn Trường Tộ, tòa soạn Báo Hà Nội Mới, công trình Trường Mầm non 1-6 nằm trên phố Nguyễn Văn Tố... được rất nhiều người ủng hộ.

Đây sẽ là động lực để Dũng có thêm quyết tâm và cảm hứng đưa phố xưa, nhà cổ vào những tác phẩm của mình, để những ai sinh ra và lớn lên tại Nam Định vẫn thấy rằng: “Hàng Dầu, Hàng Mũ, Hàng Nồi/Hàng Bát, Hàng Thiếc, lên chơi Hàng Thùng/Hàng Cau, Hàng Nón tưng bừng/Thành Nam văn vật lẫy lừng là đây…” (Thành Nam cảnh trí), thay vì chỉ là những kỷ niệm, ký ức xa xưa.

Tác giả GIA HƯNG

Bình chọn bài viết

Bài viết mới