Người lớn mắc sốt xuất huyết nặng, nguy cơ tử vong cao hơn trẻ em

Ngày 26-7, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phối hợp cùng Công ty Takeda Việt Nam tổ chức tọa đàm “Sốt xuất huyết Dengue: Biến chứng không ngờ từ những lầm tưởng nhỏ”, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) và nhấn mạnh vai trò của phòng bệnh chủ động trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp.

Các bác sĩ chia sẻ tại buổi tọa đàm “Sốt xuất huyết Dengue: Biến chứng không ngờ từ những lầm tưởng nhỏ”
Các bác sĩ chia sẻ tại buổi tọa đàm “Sốt xuất huyết Dengue: Biến chứng không ngờ từ những lầm tưởng nhỏ”

Tại tọa đàm, các chuyên gia y tế cảnh báo nhiều sai lầm phổ biến trong nhận thức và xử trí SXHD, như xem nhẹ các triệu chứng ban đầu, tự truyền dịch tại nhà, hoặc tự ý dùng kháng sinh không theo hướng dẫn y tế. Những hành động này dễ khiến bệnh diễn tiến nặng, gây biến chứng nghiêm trọng và tăng nguy cơ tử vong.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Truyền nhiễm TPHCM, một trong những sai sót thường gặp là nhầm SXHD với sốt siêu vi thông thường, dẫn đến chủ quan và nhập viện trễ. Đặc biệt, giai đoạn hạ sốt là thời điểm nguy hiểm nhất nếu không được theo dõi y tế. Ngoài ra, người mắc bệnh nền hoặc béo phì có nguy cơ diễn tiến nặng cao hơn.

"Phòng chống SXHD không thể chỉ trông chờ vào ngành y tế. Dịch bệnh chỉ thật sự được kiểm soát khi từng người dân hiểu rằng hành động nhỏ như dọn dẹp vật chứa nước quanh nhà, ngủ mùng cả ban ngày. Ngoài ra, việc cải thiện về năng lực của hệ thống tuyến trên cùng sự phối hợp tuyên truyền của các cơ quan bộ ban ngành cũng cần thiết cho người dân. Đây chính là những cách thiết thực nhất để tự bảo vệ và ngăn bệnh lây lan trong cộng đồng, bên cạnh những biện pháp vừa nêu thì tiêm chủng cũng là một trong những biện pháp giúp tăng cường phòng bệnh", bác sĩ Trương Hữu Khanh thông tin.

TS-BS Huỳnh Trung Triệu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM) cho biết, SXHD không còn là bệnh riêng của trẻ em. Thực tế, bệnh viện ghi nhận nhiều trường hợp người lớn mắc SXHD với diễn biến nặng như sốc, suy gan, xuất huyết nội tạng. “Người lớn mắc SXHD nặng có nguy cơ tử vong cao hơn trẻ em. Ngoài giai đoạn điều trị cấp tính, bệnh còn để lại di chứng kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần và chất lượng sống của người bệnh”, bác sĩ Triệu nhấn mạnh.

Bên cạnh người bệnh, gia đình cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, cả về tài chính và tâm lý. Việc chăm sóc người bệnh, đặc biệt là trẻ em sau điều trị, đòi hỏi thời gian và chi phí lớn, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn nếu không phòng bệnh từ sớm.

Từ kinh nghiệm thực tế, ThS-BS Lê Thị Mỹ Duyên (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) khuyến cáo, phụ huynh cần cảnh giác, chủ động phòng bệnh bằng cách diệt muỗi, tránh để trẻ bị muỗi đốt, phát hiện sớm dấu hiệu và đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, từ đầu năm đến nay thành phố ghi nhận hơn 15.000 ca SXHD, tăng 159,4% (9.548 ca) so với cùng kỳ năm 2024 (5.990 ca), và ghi nhận tổng cộng 10 ca tử vong.

Theo số liệu từ Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), cả nước đã ghi nhận 32.189 ca mắc SXHD. Một số địa phương ghi nhận số mắc tăng cao so với cùng kỳ như: Bến Tre tăng 346,5%, Tây Ninh tăng 274,3%, Long An tăng 208,6%, Đồng Nai tăng 191,7%.

Tin cùng chuyên mục