Theo BS-CK2 Võ Trương Quý, Phó trưởng Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, vài tuần qua, số ca bệnh sởi nhập viện tăng nhanh ở cả người lớn và trẻ em. Hiện tại, Khoa Nội A điều trị khoảng 40 trường hợp là người lớn mắc sởi, trong đó 5 ca nặng phải hỗ trợ hô hấp.
Các chuyên gia ghi nhận, trẻ em thường mắc sởi, nhưng người lớn cũng đối mặt với biến chứng và nguy hiểm khi mắc bệnh này. Mới đây, một phụ nữ mang thai 26 tuần được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM điều trị sởi. Sau đó, chị chuyển dạ và sinh non. Em bé được chuyển sang Bệnh viện Từ Dũ chăm sóc nhưng tử vong sau đó. Trong khi đó, anh T.S.N. (ngụ tỉnh Bình Thuận) được chuyển từ bệnh viện địa phương vào TPHCM do biến chứng viêm phổi. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng đã thuyên giảm. “Ban đầu, tôi bị ho, sốt thông thường nhưng ngày càng mệt mỏi, kiệt sức. Tôi rất bất ngờ khi bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh sởi, cứ tưởng đây là bệnh của trẻ con”, anh N. chia sẻ.
BS Võ Trương Quý cho biết, dù là người lớn hay trẻ em, khi mắc sởi đều có thể trở nặng nếu có sẵn bệnh nền. Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi rất dễ sẩy thai. Do đó cần tiêm ngừa trước khi có kế hoạch sinh con.
TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước công bố dịch sởi vào ngày 27-8. Từ đầu năm đến nay, TPHCM ghi nhận 4 trường hợp trẻ tử vong vì bệnh sởi. Hiện TPHCM đã kiểm soát được tình hình nhờ chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ em 1-10 tuổi. Tuy vậy, ở các địa phương lân cận, diễn biến dịch sởi lại đang phức tạp. Tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận ca tử vong liên quan đến bệnh sởi. Trên phạm vi cả nước, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi mắc sởi, với gần 5.000 ca xác định dương tính. So với cùng kỳ năm 2023, số ca nghi mắc sởi cao gần 53 lần, số ca sởi dương tính cao hơn 111 lần.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Đồng Nai ghi nhận hơn 3.000 ca mắc sởi, 2 trường hợp tử vong. Các ca mắc sởi tập trung ở trẻ 1-10 tuổi (chiếm tỷ lệ cao nhất với 67,7%) do chưa được tiêm vaccine.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện số 116/CĐ-TTg ngày 14-11-2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi. Đồng thời, không để dịch lây lan, bùng phát; hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong; thực hiện nghiêm kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo và xảy ra các ổ dịch sởi tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi trên diện rộng tại 31 tỉnh, thành phố, hướng đến trẻ em 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ cao, ưu tiên trẻ 1-5 tuổi, nhân viên y tế. Tính đến cuối tháng 11, các địa phương đã tiêm được hơn 742.653 liều trong số 912.027 đối tượng (đạt 81,4%) từ nguồn vaccine viện trợ của Tổ chức Y tế thế giới.