Lĩnh vực quan trọng
PGS-TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, khẳng định: “Trong hàng ngàn tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị suốt 80 năm qua, hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ là một trong những mảng đề tài quan trọng nhất. Đó không chỉ là biểu tượng của lòng yêu nước, sự hy sinh và tinh thần đoàn kết mà còn mang đậm chủ nghĩa nhân văn cao cả, khát vọng độc lập - tự do của dân tộc”.
Theo ông, hình tượng bộ đội Cụ Hồ và lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận, nuôi dưỡng nhiều thế hệ văn nghệ sĩ sáng tạo. Những tác phẩm về đề tài này không chỉ ghi dấu ấn sâu sắc trong văn nghệ cách mạng mà còn góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chia sẻ rằng, trong dòng chảy lịch sử âm nhạc Việt Nam, hình tượng người lính được khắc họa qua nhiều ca khúc đi cùng năm tháng như Cùng nhau đi hồng binh (Đinh Nhu); Du kích ca (Đỗ Nhuận), hay Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi)...
Nữ nhạc sĩ nhận định: “Những hình ảnh chiến sĩ đã trở thành tượng đài trong âm nhạc Việt Nam, được xây dựng và hoàn thiện qua nhiều thập niên đầy biến động. Đây là những di sản quý giá, sống mãi trong lòng công chúng”.
80 năm đồng hành cùng lực lượng vũ trang nhân dân, văn học nghệ thuật Việt Nam đã để lại nhiều di sản có giá trị tư tưởng và nghệ thuật lớn lao. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy dòng chảy sáng tạo này, cần đổi mới cách khai thác, đồng thời tháo gỡ những rào cản về cơ chế để các tác phẩm có thể tiếp cận công chúng rộng rãi hơn.
Đổi mới tư duy sáng tạo
Theo TS Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, đề tài chiến tranh trong điện ảnh Việt Nam đã có những thay đổi lớn qua các thời kỳ. Vào thời chiến, phim chủ yếu mang tính tuyên truyền, khích lệ tinh thần chiến đấu, nhưng sau thống nhất, các nhà làm phim bắt đầu khai thác sâu hơn những bi kịch chiến tranh, những số phận nhỏ bé trong dòng chảy lịch sử.
“Để phim chiến tranh thực sự sống động trong lòng khán giả hôm nay, cần đổi mới tư duy sáng tạo, đa dạng hóa góc nhìn và làm mới cách khai thác đề tài. Sự đồng cảm và cách tiếp cận hiện đại sẽ giúp phim chiến tranh đến gần giới trẻ hơn”, TS Ngô Phương Lan nhấn mạnh.
PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, chia sẻ những trăn trở về việc đưa phim chiến tranh đến công chúng. Ông nêu dẫn chứng về kịch bản phim Địa đạo của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - một dự án được Nhà nước đặt hàng. Tuy nhiên, do phim cần đầu tư lớn để tái tạo bối cảnh, kinh phí hỗ trợ của Nhà nước không đủ. Khi đoàn làm phim xin huy động vốn xã hội hóa để hoàn thành dự án, đề xuất này không được chấp thuận, buộc đạo diễn phải từ bỏ nguồn tài trợ nhà nước và tự tìm kiếm nguồn vốn bên ngoài.
Ông cũng bày tỏ sự tiếc nuối trước thực trạng nhiều bộ phim được đầu tư lớn, hoàn thành với chất lượng tốt, nhưng sau vài buổi chiếu thử nghiệm, lại bị “cất kho” vì thiếu cơ chế phát hành và quảng bá.
“Đã có những bộ phim khi được đưa ra chiếu lại, nhân các sự kiện văn hóa, lễ hội, như phim Đào, Phở và Piano đã thu hút lượng khán giả đông đảo, đặc biệt là giới trẻ. Điều này cho thấy chất lượng không phải là vấn đề lớn, mà chính những hạn chế trong việc phối hợp phát hành đã khiến phim không thể đến được với công chúng. Đây là sự lãng phí rất đáng tiếc”, ông nói.
Trong lĩnh vực văn học, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc chỉ ra rằng, các tác giả thuộc thế hệ kháng chiến hiện đã cao tuổi, sức khỏe yếu, trong khi các cây bút trẻ chưa mặn mà với đề tài lực lượng vũ trang. Theo ông, để tiếp tục lan tỏa giá trị của dòng văn học cách mạng, cần có những chính sách đầu tư và hỗ trợ cụ thể để nuôi dưỡng và khích lệ các văn nghệ sĩ trẻ dấn thân vào mảng đề tài lớn này. Với sự đầu tư đúng đắn, đề tài chiến tranh cách mạng sẽ mãi là nguồn cảm hứng bất tận, ghi dấu ấn sâu sắc trong dòng chảy văn hóa dân tộc.