* PHÓNG VIÊN: Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng số vụ tai nạn lao động (TNLĐ), sự cố nghiêm trọng vẫn còn cao và đáng lo ngại. Nguyên nhân của tình trạng này là gì?
* Ông HÀ TẤT THẮNG, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB-XH): Theo thống kê của chúng tôi, số TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động đã có chiều hướng giảm, chẳng hạn số vụ có người chết năm 2023 đã giảm 65 vụ, còn 503 vụ, giảm hơn 11% so với năm 2022.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng số vụ TNLĐ, sự cố nghiêm trọng vẫn còn cao và đáng lo ngại. Năm 2023, cả nước đã để xảy ra 7.394 vụ làm 7.553 người bị nạn, trong đó đã có 699 người thiệt mạng. Tổng chi phí cho TNLĐ và thiệt hại tài sản lên tới 16.357 tỷ đồng và gần 150.000 ngày công (chỉ tính trong khu vực có quan hệ lao động). Còn ở khu vực không có quan hệ lao động, tình hình TNLĐ đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Nguyên nhân là do nhiều người sử dụng lao động vẫn chưa quan tâm thực hiện các quy định về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro tại nơi làm việc; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động nên thiếu kỹ năng, kiến thức làm việc an toàn và tác phong công nghiệp…
* Bà HỒ THỊ KIM NGÂN, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam): Nhìn chung, phần lớn doanh nghiệp đảm bảo điều kiện an toàn lao động, nhưng cũng có những doanh nghiệp không quan tâm đúng mức, dẫn đến việc tập huấn, tăng cường công tác an toàn lao động bị gián đoạn. Vì thế, đã dẫn đến những vụ TNLĐ như thời gian qua. Theo tôi, công tác đảm bảo an toàn tại một số doanh nghiệp còn chưa tốt, chưa đầy đủ, đặc biệt là trong những ngành có nguy cơ cao như xây dựng, than, khai khoáng…
* TS NGUYỄN ANH THƠ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình TNLĐ tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Đó là do kinh tế - xã hội phát triển, số lượng doanh nghiệp tăng lên, cần sử dụng nhiều lao động. Số vụ TNLĐ, số người bị tai nạn và số thiệt mạng trong khu vực có quan hệ lao động từ năm 2017 bắt đầu chững lại, giảm về tần suất, nhưng con số tuyệt đối thì vẫn “đều đều”, do quy mô thị trường lao động tăng lên (mỗi năm 1 triệu người).
Tình trạng này có thể còn nguy cơ cao khi rất nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất đã đầu tư xây dựng đến nay hơn 20 năm; hệ thống công nghệ, tư duy quản trị cũng đã xuất hiện những lỗ hổng, trong bối cảnh chúng ta đang dồn lực thu hút lao động, tăng quy mô sản xuất…
* Phải chăng nguyên nhân chính là do việc quản lý chưa nghiêm khắc, hệ thống pháp luật chưa có hướng dẫn kỹ càng cho doanh nghiệp?
* TS NGUYỄN ANH THƠ: Về chính sách, đến nay chúng ta đã có cả hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ. Năm 1991, chúng ta đã có Pháp lệnh về bảo vệ người lao động. Đến năm 1994, đã thông qua Bộ luật Lao động (trong đó có hẳn một chương về vệ sinh an toàn lao động). Đến năm 2015, chúng ta có riêng Luật An toàn vệ sinh lao động. Đặc biệt, chúng ta đã xây dựng được một bộ quy chuẩn quốc gia về an toàn lao động rất đồ sộ.
Tôi cho rằng, thực tế thì các quy định đều đã có đủ và luật cũng chỉ nêu ra những quy định (yêu cầu) tối thiểu, còn để đảm bảo an toàn cho người lao động thì doanh nghiệp phải thực sự chủ động. Doanh nghiệp không nên tư duy theo kiểu “làm cho có”, quy định thế nào thì làm cho đủ (đối phó). Hiến pháp cũng quy định rõ con người có quyền được lao động trong điều kiện an toàn. Những người lao động chính là lực lượng làm ra của cải, giúp ông chủ giàu có và thịnh vượng. Vậy thì phải coi người lao động như người thân, tài sản của mình, phải có lòng trắc ẩn với tính mạng, số phận của người lao động.
* Câu chuyện mà TS Nguyễn Anh Thơ đề cập chính là ý thức và trách nhiệm của người sử dụng lao động với người lao động (xây dựng quy chế, trang bị thiết bị bảo hộ, giám sát…); nhưng trong các vụ TNLĐ, người ta cũng nói đến cả ý thức của người lao động?
* TS NGUYỄN ANH THƠ: Thực ra chúng ta không nên đổ lỗi cho người lao động. Nếu người lao động thiếu ý thức hay thiếu kiến thức, kỹ năng thì đều là trách nhiệm của chủ sử dụng lao động. Bởi vì trong luật đã quy định khi nào chủ sử dụng lao động huấn luyện thành thục cho người lao động đủ để vận hành hệ thống công nghệ, công việc đó thì mới bố trí cho người ta làm việc đó. Cho nên, công tác huấn luyện và tuyên truyền về huấn luyện lao động là giải pháp quan trọng nhất hiện nay để ngăn ngừa TNLĐ. Ý thức và trách nhiệm của việc này phải đến từ những người đứng đầu doanh nghiệp.
Các vụ TNLĐ có thể được giải quyết mau chóng dựa trên quy định của pháp luật, nhưng hậu quả sẽ còn kéo dài. Chúng ta cũng biết, trong làm ăn xuất khẩu với các đối tác nước ngoài, chỉ cần sản phẩm có dấu hiệu sử dụng lao động trẻ em hoặc lạm dụng sức lao động, hoặc gây ô nhiễm môi trường… thì đối tác sẽ từ chối đơn hàng.
* Bà HỒ THỊ KIM NGÂN: Để đảm bảo an toàn, doanh nghiệp cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc, quy trình vận hành các loại dây chuyền, máy móc, thiết bị có nguy cơ cao và phải định kỳ kiểm tra sự an toàn. Trong quá trình vận hành, phải có thông báo, biển báo về tình trạng, các bước đang thực hiện… Người thực hiện không được phép chủ quan, lơ là khi thực hiện các quy trình đó, không làm tắt. Quan trọng nhất vẫn là phải tập huấn thường xuyên để người lao động nâng cao kỹ năng xử lý các sự cố mất an toàn lao động. Nếu người lao động không được thực hành các quy trình sẽ dẫn đến thiếu hiểu biết, hoặc lúng túng, không kiểm soát được hành vi của mình, làm cho việc xử lý sự cố có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn.