- Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc BHXH TPHCM: Người lao động đã nghỉ việc đang thụ án trong trại giam được ủy quyền cho người thân (là cha hoặc mẹ) để làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần (nhưng phải đủ điều kiện sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH). Thủ tục hưởng trợ cấp BHXH một lần gồm: Sổ BHXH đã được chốt; đơn đề nghị mẫu 14-HSB (do người lao động đứng tên trên sổ BHXH lập); giấy ủy quyền làm thủ tục hưởng, nhận thay chế độ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mẫu 13-HSB (có xác nhận của thủ trưởng trại giam nơi người lao động đang thụ án).
- Trước đây người lao động đã nhận BHXH một lần. Nay công ty đóng BHXH cho người lao động được 6 tháng thì người lao động nghỉ thai sản. Thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động ở công ty trước đây còn bảo lưu đến nay là 2 năm 9 tháng. Vậy, khi nghỉ thai sản, người lao động sẽ được hưởng chế độ BHXH và bảo hiểm thất nghiệp như thế nào? (Công ty TNHH CK Line Việt Nam)
- Về chế độ thai sản, theo Luật BHXH năm 2014, điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Vậy nếu người lao động đủ điều kiện như trên thì được hưởng trợ cấp thai sản khi sinh là 6 tháng và trợ cấp một lần khi sinh con là 2 tháng lương cơ sở. Thủ tục như sau, nếu người lao động vẫn còn làm việc tại đơn vị thì hồ sơ chứng từ gồm: Giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc trích lục khai sinh (1 bản sao/con); danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe mẫu C70a-HD. Nếu người lao động nghỉ việc chấm dứt hợp đồng lao động trước khi sinh con (nộp tại BHXH nơi cư trú) thì hồ sơ chứng từ gồm: sổ BHXH đã được chốt; giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc trích lục khai sinh (1 bản sao/con).
Về chế độ trợ cấp thất nghiệp, nếu người lao động vẫn còn làm việc tại đơn vị mới thì khi nghỉ hưởng chế độ thai sản không được giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp ở đơn vị cũ được bảo lưu và cộng với thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp ở đơn vị hiện tại cho đến khi người lao động nghỉ việc và không có việc làm, thì nộp hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp với Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM.
- Trước đây đơn vị chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước, giờ đã cổ phần hóa. Hiện nay, cách tính lương hưu cho người lao động đến tuổi nghỉ hưu đang gây thiệt thòi cho người lao động. Tiền lương đóng theo hệ số - thang bảng lương nhà nước được tính 5 năm cuối; tuy nhiên, phần tiền đóng theo quy định từ tháng 1-2016 đến nay lại phải chia đều cho toàn bộ thời gian đóng BHXH. Như vậy, dù người lao động có đóng tăng hơn so với mức đóng hệ số cũ thì chế độ cũng gần như là không tăng hoặc tăng không đáng kể. Chúng tôi đề nghị cơ quan BHXH xem xét để đảm bảo đúng luật cũng như quyền lợi của người lao động. (Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4)
- Cách tính lương hưu đối với người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chung của các thời gian. Trong đó, thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH theo quy định tại khoản 1, Điều 62 của Luật BHXH (tức là lấy bình quân 5 năm, 6 năm, 8 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, bình quân toàn bộ quá trình tương ứng với thời gian tham gia BHXH trước tháng 1-1995; từ tháng 1-1995 đến ngày 30-12-2000; từ ngày 1-1-2001 đến ngày 31-12-2006; từ ngày 1-1-2007 đến ngày 31-12-2015; từ ngày 1-1-2016 đến ngày 31-12-2019; từ ngày 1-1-2020 đến ngày 31-12-2024; từ năm 2024 trở đi).
BHXH là cơ quan tổ chức thực hiện Luật BHXH nên khi tính lương hưu không thể làm khác quy định. Về ý kiến của đơn vị, cơ quan BHXH xin ghi nhận và phản ánh đến Bộ LĐTB-XH.