Gần nơi tôi ở thời thơ ấu có ba anh em nhà họ Dương. Trong ba anh em trai ấy có người lớn tuổi và người nhỏ tuổi hơn cha tôi, nhưng cả ba người đều gọi cha tôi bằng anh Hai. Ngược lại, cha tôi cũng gọi ba anh em nhà họ Dương bằng anh theo thứ (anh Bốn, anh Chín, anh Mười). Giữa anh em nhà họ Dương và anh em nhà họ Trần không hề có mối quan hệ bà con ruột rà chi, nhưng trải qua mấy đời người chưa có ai làm sui gia với nhau. Có lẽ tôi là người đầu tiên chú ý đến cái sự lạ lùng ấy. Khi tôi đến tuổi trưởng thành chiêm nghiệm: “Sở dĩ hai họ Dương - Trần không làm sui gia với nhau là vì người láng giềng quá đỗi thân tình”. Nhiều khi tình cảm cao quý làm cho con người ta vượt lên sự bình thường trong cuộc sống. Đúng như người đời thường bảo “bà con xa không bằng xóm giềng gần”.
Người láng giềng không “máu chảy ruột mềm”, song gắn bó với ta một đời. Tôi còn nhớ ngày xưa cứ mỗi lần cha mẹ lo việc đồng áng, còn tôi thì mải rong chơi với lũ trẻ hàng xóm. Khi cha mẹ tôi về nhà, bà cô hàng xóm sang chơi xởi lởi: “Chị Hai ạ! Hồi sáng này có con bò vào vườn chị ăn khoai sắn, may mà có em đuổi đi”. Hoặc có lúc cô hàng xóm sang thảng thốt với mẹ: “Trời ơi! Cái đống rác nhà chị bén lửa sang hàng tre, em không phát hiện sớm thì cháy rụi rồi!”.
Người láng giềng không những tự nguyện trông chừng nhà cho ta lúc ta đi vắng mà còn luôn luôn ở bên cạnh ta lúc trái gió trở trời, tối lửa tắt đèn, hoạn nạn có nhau. Tôi cứ tâm niệm: nếu trong cách ứng xử hàng ngày có những điều không nên làm thì điều trước hết tôi không nên làm, đó là không nên gây hiềm khích với người láng giềng. Bởi làm như vậy sẽ mất đi chỗ dựa vững chắc và yên bình trong cuộc sống. Ngày ngày ta và người láng giềng “ra thấy mặt vào thấy mặt”. Hục hặc với họ thì thế nào ta cũng nghe nhẫy tai những lời “mượn chó chửi mèo”, lúc ấy sẽ không còn “chén mắm trao qua miếng cà trao lại” và sức mạnh cộng đồng cũng bị phân tán nốt.
Người láng giềng sống bên cạnh ta dễ hơn những người ruột thịt. Anh chị em ruột thịt ở cách xa nhau thì nhớ thương vô cùng nhưng nhà chung vách thì không sao tránh khỏi “đá thúng đụng nia”. Vì sao? Vì tình cảm ruột thịt quý như pha lê, ngọc ngà trong suốt mà dễ vỡ. Đã là ruột thịt với nhau các thành viên luôn mong sự quan tâm đặc biệt đến nhau kèm theo sự ỷ lại đáng buồn. Vậy mà khi gặp hoạn nạn thì người ruột thịt với nhau không bao giờ chểnh mảng một giây, thật là “anh em như thể tay chân”.
Giá như những người ruột thịt với ta có một chút phẩm chất của người láng giềng “quen sợ dạ lạ sợ áo” luôn luôn trân trọng, vun đắp tình cảm thì hay biết mấy! Nhiều lúc người láng giềng sang nhà giúp mẹ phơi lúa, hái rau... Và thi thoảng nhìn ta cười tủm tỉm làm ta ngượng muốn chết. Vậy mà những lúc xa quê ta lại da diết nhớ đôi má ửng hồng, bước đi uyển chuyển tóc đuôi gà ngúng nguẩy, tiếng cười nói ròn rã của người láng giềng. Ta tự trách mình làm tắt đi ngọn lửa lòng của tuổi mười bảy, mười tám. “Anh đi đáo địa thiên tôn / Anh về anh bứng bụi môn sau hè”. Người láng giềng xinh thế, mơ mộng thế sao ta cứ ngài ngại? Phải chăng nhân nghĩa thâm sâu với người láng giềng khiến cho ta lỡ những chuyến đò?
Người láng giềng lấy chồng xa xứ, ngày trở về cố hương ta nhìn sững sờ: Tóc nàng không còn xanh, môi nàng không còn thắm, mắt nàng không còn đen tròn, tinh nghịch như xưa. Song, kỷ niệm thời thơ ấu còn đầy ăm ắp trong ta.
Trần Quốc Cưỡng