Người làm nghĩa vụ quốc tế có được tính là người có công với nước không?

Tôi tham gia quân đội từ tháng 1-1977, đến tháng 2-2002 thì về hưu. Tôi có thời gian trực tiếp chiến đấu ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia từ tháng 12-1977 đến 6-1989 (11 năm 6 tháng). 

Khi nghỉ hưu, tôi được hưởng 61% lương bình quân 5 năm cuối; không có trợ cấp thời gian chiến đấu. Vậy thời gian chiến đấu của tôi sao không có hệ số quy đổi? Chiến đấu ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia có được hưởng chính sách người có công không? Và chính sách đó thể hiện ở khâu nào? 
Ông NGUYỄN HIỆP 
(quận Tân Bình, TPHCM)
°Ông LÊ MINH TẤN, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM:
Về việc tính hệ số quy đổi, trước ngày 1-1-1995, theo Nghị định 236 ngày 18-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng, người lao động là cán bộ, công nhân viên, công chức, viên chức, công an nhân dân, quân đội được tính quy đổi theo hệ số khi giải quyết chế độ bảo hiểm (1 năm bằng 1 năm 2 tháng, 1 năm 4 tháng hoặc 1 năm 6 tháng). Sau ngày 1-1-1995, cơ sở tính chế độ hưu trí và thời gian công tác để hưởng lương hưu trí thực hiện theo Nghị định 12/CP về Điều lệ bảo hiểm xã hội (BHXH) và Nghị định 01/2003 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH. Theo đó, thời gian để tính hưởng chế độ hưu trí là thời gian đóng BHXH thực tế, không tính hệ số quy đổi. Như vậy, theo quy định tại thời điểm ông nghỉ hưu vào tháng 2-2002, trường hợp của ông khi nghỉ hưu tính theo thời gian thực tế có đóng BHXH; riêng thời gian công tác trong quân đội nếu có cấp hàm sẽ tính thâm niên quân đội khi tính lương hưu. 

Theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 12 diện đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Các đối tượng tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia được giải quyết chế độ trợ cấp theo Quyết định 62/2011 của Thủ tướng Chính phủ, không thuộc đối tượng ưu đãi người có công với cách mạng quy định tại pháp lệnh này.

Tin cùng chuyên mục