Ngày 1-1 vừa qua là ngày tròn 20 năm đồng tiền chung châu Âu (EUR) ra đời. Những năm gần đây, đồng tiền chung của khoảng 340 triệu dân tại 19 quốc gia châu Âu đã phải vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng và các bất đồng chính trị. Dù đã được củng cố nhờ một số chính sách tiền tệ của châu Âu, nhưng giới quan sát nhận định đồng EUR vẫn còn là “một người khổng lồ yếu ớt”.
Nhớ lại 2 thập kỷ trước, đồng EUR tuy chưa hiện diện chính thức, nhưng đã được giới tài chính sử dụng như là một công cụ tài chính ảo trong các hoạt động giao dịch. Đến ngày 1-1-2002, những tờ bạc EUR đầu tiên xuất hiện trên thị trường.
10 năm đầu tiên, EUR mang đến sự lạc quan do những thành công tức thì. Nhưng 10 năm kế tiếp, đồng tiền chung của châu Âu phải trải qua một cuộc khủng hoảng dài hơi và dữ dội. Ngay giữa mùa hè năm 2012, đồng EUR suýt chút nữa bị cuốn trôi theo cuộc khủng hoảng nợ công có nguy cơ dẫn đến sự tan rã của hệ thống ngân hàng tại châu Âu.
Theo các chuyên gia kinh tế, chính những sự kiện đó đã bộc lộ rõ những “khiếm khuyết ban đầu” trong quá trình hình thành đồng EUR: Thiếu sự đoàn kết về ngân sách chung châu Âu thông qua biện pháp tương trợ nợ công, đầu tư và các rủi ro, cách biệt sâu sắc giữa các nền thị trường, thiếu một định chế cung cấp tín dụng trong trường hợp khẩn cấp khi một nước gặp khó khăn…
Nhằm ngăn chặn Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị nổ tung, một loạt các biện pháp đã được đề ra như thiết lập chương trình mua lại nợ công có điều kiện của một nước thông qua việc phát hành công trái phiếu châu Âu, giảm lãi suất xuống mức thấp nhất… Tổng cộng trong giai đoạn này, châu Âu đã mua lại 2.600 tỷ EUR nợ công.
Cuộc khủng hoảng 2012 là dịp để châu Âu sửa chữa những điểm yếu đáng quan ngại nhất cho đồng tiền chung châu Âu và lập lại các luật lệ cho việc quản lý. Thế nhưng, trên bình diện chính trị, châu Âu và các nước thành viên trong khối đã có rất ít chính sách để điều chỉnh những khiếm khuyết ban đầu. 19 quốc gia vẫn chưa có được các công cụ cần thiết để đồng nhất các nền kinh tế hay đầu tư để ứng phó với các thách thức kinh tế.
Theo ông Gilles Moec, kinh tế gia tại Bank of America Merrill Lynch, trong những năm 1990, điều quan trọng nhất đối với châu Âu trên bình diện kinh tế là cung cấp cho thị trường một đồng tiền duy nhất nhằm chấm dứt các biến đổi tỷ giá hối đoái giữa các nước thành viên và trên bình diện chính trị, là giúp cho nước Đức thống nhất. Trớ trêu thay, chính nước Đức ngày nay là rào cản lớn nhất cho mọi ý định cải cách về Eurozone. Mọi giải pháp do Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu, Pháp và nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất để bình ổn Eurozone đều gặp phải sự phản đối từ Berlin.
Tuy nhiên, đồng EUR vẫn còn có hy vọng trở nên lớn mạnh và bền vững hơn. Là đồng tiền thứ hai được sử dụng nhiều trên thế giới, khoảng 74% số người dân châu Âu được hỏi đánh giá rằng đồng EUR có lợi cho Liên minh châu Âu, và 64% cho là EUR mang lại lợi ích cho chính đất nước của họ. Do vậy, chuyên gia kinh tế người Pháp Nicolas Veron lạc quan cho rằng với các biện pháp trong sạch hóa hệ thống ngân hàng, nợ công, cùng với chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu, đồng EUR “kể từ giờ là người khổng lồ đứng trên đôi chân bằng gạch hơn là đất sét”.