Có dịp theo chân đoàn xe chở khách du lịch TPHCM đến buôn Đăng Gia (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) của người K’Ho, chúng tôi như bước vào không gian núi rừng huyền thoại. Những bếp lửa bập bùng ánh sáng thu hút đoàn xe du lịch xếp hàng dài trên cung đường dẫn đến chân núi. Tại không gian phục vụ du khách của nhóm cồng chiêng Yồ Rơn, những tấm gỗ đơn sơ nhiều bậc để làm chỗ cho khách ngồi, vài ché rượu cần, một ít thịt nướng, cơm lam bày biện đúng như nghi thức cúng Yàng.
Và khi những chàng trai, cô gái trong trang phục thổ cẩm truyền thống đã sẵn sàng thì trưởng nhóm Krajan Druynh với chiếc tù và bước ra khai hội vang vọng: “Ơ Yàng! Này tôi mời gọi hỡi thần linh/Khui rượu cần tôi mời nếm thử/Rượu cần ngon tôi mời thần uống/Hỡi thần linh, đến uống đi, uống đi nào...”. Thủ tục xin phép thần linh vừa dứt, tiếng chiêng tấu lên thổn thức và đưa du khách như lạc vào thế giới đầy sắc màu huyền thoại. Anh Nguyễn Duy Hải, du khách đến từ TPHCM, phấn chấn: “Trước đây trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ vùng đất Lâm Đồng chỉ có thành phố Đà Lạt với phong cảnh thiên nhiên lãng mạn nhưng khi ra khỏi thành phố hơn 10km, chúng tôi lại được hòa mình vào không gian văn hóa đậm chất sử thi của người dân bản địa. Cách làm du lịch ở đây còn mang tính sơ khai, dân dã nhưng chính điều này đã mang lại những cảm xúc khó diễn tả đối với du khách”.
Cách buôn Đăng Gia không xa là làng dân tộc K’Ho B’Nơr C. Đây cũng là điểm đến có sức hút đối với du khách trong và ngoài nước trong thời gian qua. Đó là ngôi làng nhỏ vẫn giữ được nét mộc mạc, đơn sơ và bình yên của người dân bản địa. Vào mùa nông nhàn, thấp thoáng những sơn nữ K’Ho miệt mài ngồi dệt thổ cẩm bên cửa sổ trong ngôi nhà gỗ với đủ màu sắc bắt mắt. Khách du lịch vào buôn, họ niềm nở tiếp chuyện và cũng không quên giới thiệu về sản phẩm dệt thủ công của dân tộc mình. Chị Ka Hiên (45 tuổi, buôn B’Nơr C, thị trấn Lạc Dương) cho biết: “Du khách đến tham quan, tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm ngày một nhiều hơn, chúng tôi rất mừng và nếu khách có nhu cầu mua sản phẩm thì cả buôn B’Nơr C sẵn sàng phục vụ với tâm nguyện “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” và cũng là để giúp phụ nữ trong buôn có thêm thu nhập vào mùa nông nhàn”.
Nếu như ở buôn B’Nơr C dần phát triển du lịch cộng đồng thì với chị Rolan Cơ Liêng (33 tuổi) đã mạnh dạn mở hẳn một khu vực đón tiếp du khách, trưng bày sản phẩm cà phê arabica và giới thiệu quy trình sản xuất loại cà phê đặc sản này. Với kỹ năng giao tiếp tiếng Anh thành thạo, chị Rolan cùng chồng là anh Joshua Henry Guikema (người Mỹ) còn đón cả những đoàn khách nước ngoài tới buôn làng. Sau khi giới thiệu với khách về đặc sản cà phê địa phương, vợ chồng chị Rolan còn dẫn khách đi khắp buôn làng, kể cho họ về những nét văn hóa bản địa, cuộc sống của người dân hay về nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình. Chị Rolan chia sẻ: “Khách quốc tế rất thích tìm hiểu về văn hóa dân tộc bản địa ở những nơi họ đi qua. Riêng với buôn làng của dân tộc K’Ho, mình sẵn sàng bỏ thời gian dẫn họ đi khám phá nét đẹp thuần túy nhằm quảng bá, giới thiệu về những nét riêng của dân tộc K’Ho. Đây cũng là cách làm du lịch rất riêng của vùng núi rừng này”.
Theo UBND huyện Lạc Dương, hiện trên địa bàn huyện có hơn 70% đồng bào dân tộc bản địa sinh sống, phần lớn trong số đó là người K’Ho. Dù đời sống kinh tế, xã hội đã có nhiều thay đổi, nhưng người K’Ho ở Lạc Dương vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo, đó là không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội, âm nhạc truyền thống, nghề dệt thổ cẩm và văn hóa rượu cần. Ông Cil Poh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, cho biết ngay từ năm 1995 và 1996 tại Lạc Dương đã hình thành nhóm biểu diễn cồng chiêng đầu tiên phục vụ khách du lịch.
Về sau, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa bản địa của du khách khi đến với vùng đất Langbiang, lần lượt các nhóm nghệ thuật khác cũng ra đời và đến nay đang duy trì ổn định 10 nhóm cồng chiêng với khoảng 300 người tham gia hoạt động phục vụ du khách. Những nhóm biểu diễn cồng chiêng đã tạo dấu ấn riêng với mỗi đoàn du khách xa gần khi đến với thành phố Đà Lạt mộng mơ và vùng phụ cận như Lạc Dương hoang sơ. Không chỉ phát triển theo mô hình du lịch cộng đồng ngay tại buôn làng, tại các điểm du lịch khác trong huyện như du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, Khu du lịch Langbiang, Làng Cù Lần… các giá trị văn hóa truyền thống cũng được cư dân bản địa giới thiệu tới du khách để vừa góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển vừa giúp duy trì văn hóa bản địa một cách bền vững.