Chị Hồng Loan được phân vào Phòng Xúc tiến Văn hóa - Thể thao và Du lịch của thành phố. Với nhiệm kỳ làm việc 3 năm, chị sẽ tham gia vào hoạt động kết nối giao lưu giữa 2 nước. Phát biểu trong buổi lễ được tổ chức trang trọng tại Ủy ban Hành chính thành phố Saiki, chị Bùi Hồng Loan cho biết sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ và cố gắng trở thành cầu nối giữa Việt Nam và thành phố Saiki.
Khi trao quyết định bổ nhiệm cho chị Loan, thị trưởng của Saiki, ông Tanaka Toshiaki nhấn mạnh: “Trong tương lai, chúng tôi mong muốn được kết nghĩa với 1 thành phố nào đó ở Việt Nam và rất mong muốn chị Loan quảng bá những điểm tốt của thành phố Saiki với đất nước Việt Nam”.
Saiki là thành phố chủ nhà đón tiếp đoàn vận động viên khuyết tật của Việt Nam sang tham dự Thế vận hội người khuyết tật Paralympic Tokyo vào năm tới ở bộ môn bóng bàn và cầu lông. Ngoài việc hỗ trợ hoạt động giao lưu văn hoá - thể thao, chính quyền thành phố cũng hy vọng chị Loan sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động giao lưu giữa những công ty tiếp nhận và thực tập sinh đang làm việc tại thành phố.
Đối với một lao động Việt Nam gắn bó với nước Nhật nhiều năm như chị Loan thì công việc này là thử thách mới, nhưng mang lại nhiều niềm vui khi có thể trở thành một trong những người kết nối mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt- Nhật. Chị Hồng Loan năm nay 31 tuổi, rời Ninh Bình đến Nhật du học từ năm 2010.
Đến năm 2015, chị quay về nước làm việc và quay lại Nhật vào giữa năm 2017 để làm việc tại một nghiệp đoàn chuyên tiếp nhận tu nghiệp sinh ở tỉnh Fukuoka. Sau khi biết thông tin về Đội Hợp lực phát triển địa phương, chị đã xin gia nhập đội với hy vọng sẽ hỗ trợ phát triển hoạt động giao lưu giữa hai nước.
Thành phố Saiki có khoảng 120 thực tập sinh kỹ năng người Việt Nam đang làm việc tại các ngành như chế biến thủy sản, chế tạo máy chính xác… Chia sẻ về công việc của mình, chị Loan cho biết mong muốn được giao lưu rộng rãi với các bạn Việt Nam ở Saiki. Trong giai đoạn dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn như hiện nay, chị muốn tạo một kênh trao đổi thông tin trên mạng internet với mọi người để thuận tiện hơn trong việc giúp đỡ đồng hương khi cần thiết. Từng gặp khó khăn trong những ngày đầu sang Nhật nên chị Loan hiểu rằng, việc có thêm sự hỗ trợ của đồng hương ở nơi xứ người là điều ai cũng mong muốn.
Việc bổ nhiệm chị Loan trong Đội Hợp lực phát triển địa phương cũng là sự ghi nhận những đóng góp của cộng đồng lao động Việt Nam tại thành phố này. Theo số liệu thống kê mới nhất, Việt Nam có hơn 326.840 lao động tại Nhật Bản, đứng đầu trong nhóm nước Đông Nam Á.
Để mở rộng việc tiếp nhận lao động nước ngoài, Nhật Bản chủ trương xây dựng xã hội cộng sinh với nhiều chính sách mới nhằm giúp lao động nước ngoài sống thuận lợi hơn, như xây dựng và cấp ngân sách hoạt động cho các trung tâm hỗ trợ người nước ngoài ở các địa phương, dạy tiếng Nhật, xây dựng cơ chế giới thiệu việc làm cho người nước ngoài, cải thiện việc cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội cho người nước ngoài.