Ngày 3-10, Anphabe tổ chức hội nghị nguồn nhân lực hạnh phúc 2019 với chủ đề “Beyond the norm – nghĩ khác biệt, làm vượt trội”. Hội nghị quy tụ hơn 600 CEO và Giám đốc nhân sự đến từ các công ty lớn trong khắp cả nước, tập trung thảo luận những xu hướng quản trị con người mới nhất, đưa ra các giải pháp hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám”.
Mô tả về chân dung những người ra đi, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc Anphabe cho hay, tỷ lệ nghỉ việc đang gia tăng liên tục trong vòng 3 năm qua và dự đoán sẽ cán mốc đáng báo động 24% trong năm 2019. Nếu 10% là tỷ lệ nghỉ việc lý tưởng, cho phép một doanh nghiệp duy trì hoạt động ổn định và có thể chuyển đổi với những con người mới sau mỗi chu kỳ 10 năm, thì tỷ lệ nghỉ việc lên đến 24% thật sự là một con số đáng báo động với doanh nghiệp.
Cụ thể, ở khối nhân viên, nhóm người lao động có mức lương dưới 10 triệu có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất, 29%. Trong khi đó, ở các cấp bậc cao hơn như trưởng nhóm, quản lý, giám đốc…, lương càng cao thì dự định nghỉ việc càng nhiều, tập trung ở 4 phòng ban quan trọng là Tiếp thị, Tiếp thị bán hàng, Công nghệ thông tin và Tài chính. Thực tế này chứng minh “Không hẳn cứ lương cao hay chức tốt là nhân viên sẽ nỗ lực và trung thành với doanh nghiệp”.
Xét về độ tuổi, tỷ lệ nghỉ việc ở nhóm trẻ (thế hệ 9X) cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác. Đáng nói là, ngay cả khi người lao động “hài lòng” về môi trường làm việc, thì vẫn có hơn 17% dự tính nghỉ trong vòng một năm tới. Khái niệm “trung thành” trong công việc của giới trẻ đã thay đổi, không hẳn đo lường theo thời gian gắn bó với doanh nghiệp, mà được đo bằng hành động – nỗ lực trong công việc, còn thời gian không quan trọng.
Xét về thâm niên, người lao động có thâm niên dưới 2 năm có rủi ro nghỉ việc cao nhất - đặc biệt ở cấp quản lý và giám đốc cấp cao, hơn hẳn các mức thâm niên khác.
Trong khi đó, với nhóm nhân viên có mức lương trên 80 triệu đồng/người/tháng thì trung bình cứ 2 người, sẽ có 1 người manh nha nghỉ việc.
Bà Thanh Nguyễn cũng lưu ý, người lao động nghỉ việc sẽ tạo ra những “tổn thất” không ngờ tới cho doanh nghiệp. Trong đó, để tìm được một người thay thế, ít nhất doanh nghiệp phải mất 15%-20% lương năm của vị trí đó.
Theo nghiên cứu của tổ chức Quản trị nhân sự Quốc tế SHRM, để người mới quen việc như người cũ, chưa cần cống hiến quá xuất sắc, doanh nghiệp cũng có thể mất gần 6 tháng lương. Trong trường hợp người ra đi là người giỏi và có nỗ lực cao, “thất thoát” của doanh nghiệp sẽ cao hơn nhiều: Các kiến thức và mối quan hệ bị mất đi, chi phí đào tạo người mới... Lúc này, tổng các thiệt hại mà doanh nghiệp phải đối mặt cho một lao động giỏi nghỉ việc có thể lên tới 1-2 năm lương của người ra đi. Nếu nhiều người giỏi ra đi, thiệt hại tăng lên theo cấp số nhân, dẫn tới gánh nặng chi phí khổng lồ cho doanh nghiệp.
Một câu hỏi được cộng đồng CEO và Giám đốc nhân sự các doanh nghiệp quan tâm là, sau khi nghỉ việc, điểm đến tiếp theo của người lao động là ở đâu? Từ kết quả khảo sát và phân tích chuyên sâu, bà Thanh Nguyễn chỉ ra 4 xu hướng bến đỗ mới của người lao động: các doanh nghiệp ở khác ngành nghề, thuộc lĩnh vực đang phát triển nhanh; các doanh nghiệp mới (chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 80.000 doanh nghiệp mới ra đời); khởi nghiệp riêng, hiện có 32% người đi làm tại các doanh nghiệp lớn chia sẻ mong muốn khởi nghiệp trong tương lai; di dân, “chảy máu chất xám” từ Việt Nam tới các quốc gia phát triển trên thế giới.
Đi sâu vào “sự thật” đằng sau quyết định “đi” hay “ở” của người lao động, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc Anphabe Thanh Nguyễn chỉ ra một tình trạng đáng buồn là cứ 10 người lao động nỗ lực cao, sẽ có 1 người vẫn quyết ra đi; nhưng trong 10 người nỗ lực thấp lại có đến 6 người chọn ở lại.
Tình trạng người kém chọn ở lại còn người giỏi quyết ra đi, bởi nhiều doanh nghiệp đang quá thoải mái, dễ dãi trong văn hóa, phân bổ các chính sách phúc lợi cũng như cách quản lý, quản trị chưa phù hợp; bởi người lao động giỏi thường theo đuổi 4 yếu tố then chốt về thu nhập, kế hoạch nghề nghiệp, thương hiệu doanh nghiệp và cân bằng công việc – cuộc sống.
Đặc biệt, trong giai đoạn nhạy cảm (giảm hài lòng về một số yếu tố môi trường làm việc và vì thế giảm gắn kết), thì mất cân bằng công việc – cuộc sống trở thành giọt nước làm tràn ly trong quyết định ra đi của nhóm người lao động giỏi. Những nhân viên bị mất cân bằng thường rơi vào trạng thái "Burn-out" (bị “kiệt quệ” về thể chất, dẫn tới tinh thần mệt mỏi và tiêu cực) và trong mắt họ, môi trường làm việc dù đang tốt hay chưa tốt đều trở nên “tệ đi”. Thậm chí, dù có thu nhập tốt, nhưng khi rơi vào trạng thái "Burn out", người lao động giỏi sẽ vẫn dằn vặt “Tiền nhiều để làm gì? Có tiền mà không có thời gian tiêu thì cuộc sống còn gì ý nghĩa”. Hoặc nếu thu nhập không tốt thì càng tệ hơn: “Làm nhiều thế mà lương ngần này thì chả đáng. Đằng nào cũng cực thì tìm chỗ nào cho đỡ công sức”. Và hệ quả: quyết tâm nghỉ việc.
Theo Anphabe, mỗi nhân viên sẽ có một mức dẻo dai về thể lực và can trường về tinh thần khác nhau, nhưng khi chạm qua ngưỡng "Burn out", mọi thứ đều trở nên “mong manh dễ vỡ”. Vì thế, các nhà quản lý rất cần nhạy cảm với các biểu hiện "Burn-out" của nhân viên, đặc biệt là nhóm giỏi và quan trọng để có cách thức hỗ trợ phù hợp, nếu không sẽ nhanh chóng gặp cảnh người giỏi nghỉ việc.
Để hạn chế tình trạng người lao động nghỉ việc, bà Thanh Nguyễn cho rằng, tăng lương hoặc thăng chức không nên là giải pháp duy nhất vì chỉ có tác dụng tạm thời. Cốt lõi vấn đề để tăng gắn kết, nỗ lực cũng như lòng trung thành vẫn phải là sự kết hợp “kéo” nỗ lực của nhân viên bằng cả tình cảm và lý trí thông qua môi trường làm việc tích cực. Đồng thời, cần “đẩy” bằng động lực tự thân thông qua hỗ trợ và giúp người lao động cảm nhận tốt hơn về ý nghĩa công việc, sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, năng lực tương thích, kết nối và tự chủ trong công việc.
Cùng ngày, Anphabe khởi động Khảo sát nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2019-2020. Quá trình khảo sát có sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), được thực hiện trong 6 tháng, dự kiến công bố nơi làm việc tốt nhất Việt Nam vào tháng 3-2020.
Bên cạnh nhóm đối tượng truyền thống là người đi làm có kinh nghiệm, năm 2019, ban tổ chức sẽ mở rộng nghiên cứu nhóm người lao động rất mới và rất khác – thế hệ Z (sinh từ năm 1997 trở về sau).
Ngoài ra, Anphabe sẽ phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM (SAC) khảo sát trên 25.000 sinh viên tại 50-70 trường đại học trọng điểm trên toàn quốc.