Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), trong năm 2021, quốc gia Đông Nam Á này đã nhập khẩu 22,33 tỷ USD hàng điện tử, tăng 17% so với năm trước và chiếm 11,38% tổng kim ngạch nhập khẩu. Chính sách thay thế hàng nhập khẩu phù hợp với xu hướng toàn cầu, trong đó hàng điện tử trở thành sản phẩm được săn lùng nhiều nhất hiện nay.
Chính phủ Indonesia đã đón đầu xu hướng này từ tháng 8-2021, thông qua việc công bố chiến lược thay thế 35% hàng nhập khẩu vào năm 2022 nhằm xây dựng ngành công nghiệp trong nước độc lập, có chủ quyền, tiên tiến, bình đẳng và toàn diện.
Theo chiến lược, Indonesia sẽ ưu tiên cắt giảm các mặt hàng nhập khẩu có giá trị lớn như máy móc, hóa chất, kim loại, điện tử, thực phẩm, thiết bị điện, dệt may, ô tô, kim loại, cao su... Đồng thời, Indonesia sẽ khuyến khích phát triển các lĩnh vực sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, tăng cường tiện ích của ngành sản xuất trong nước và thúc đẩy đầu tư để sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu.
Để ủng hộ các sản phẩm nội địa và bảo vệ sự bền vững, tăng khả năng cạnh tranh cũng như tạo cơ hội cho các ngành công nghiệp trong nước phát triển, chính phủ đã tối ưu hóa việc sử dụng các sản phẩm trong nước bằng cách quy định tỷ lệ nội địa hóa ở mức thấp nhất 40%. Quy định này nhằm khuyến khích tất cả sản phẩm được sản xuất trong nước tham gia vào các dự án mua sắm hàng hóa và dịch vụ bằng ngân sách nhà nước hoặc bằng tiền của các doanh nghiệp nhà nước.
Trên thực tế, theo BPS, các sản phẩm chế tạo chiếm phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Indonesia, tiếp đó là các sản phẩm khai khoáng, dầu khí và nông nghiệp. Số liệu cho thấy, hàng tiêu dùng chỉ chiếm 8,66% tổng lượng hàng nhập khẩu trong tháng 1 vừa qua. Nguyên liệu thô chiếm phần lớn hàng nhập khẩu, tiếp đó là tư liệu sản xuất.
Cục Nghiên cứu và Phát triển đã xác định các sản phẩm cần được thay thế bằng hàng trong nước, bao gồm điều hòa nhiệt độ, quạt, máy giặt, máy tính xách tay, máy tính để bàn, máy in, đèn LED, cáp quang và máy ảnh kỹ thuật số.
Theo Bộ Thương mại Indonesia, với chính sách khuyến khích thay thế hàng nhập khẩu, nhất là đối với hàng điện tử và viễn thông, Indonesia khuyến khích các công ty tiến hành các hoạt động nghiên cứu và phát triển thông qua các khoản khấu trừ thuế hào phóng.
Tổng Thư ký Hiệp hội Các công ty điện tử (Gabel) Daniel Suhardiman cho biết, động thái của chính phủ yêu cầu giấy phép nhập khẩu đối với điều hòa nhiệt độ vào năm 2020 đã giúp thị phần hàng trong nước tăng từ 20% lên mức 30%.
Theo ông, các rào cản phi thuế quan - chẳng hạn như tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, tỷ lệ nội địa hóa và giấy phép nhập khẩu - là điều cần thiết nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nước, đồng thời gây khó khăn cho các sản phẩm nhập khẩu.
Theo giới chức Indonesia, nếu không có các chính sách hỗ trợ, hàng nhập khẩu sẽ tràn lan và các ngành công nghiệp trong nước sẽ khó có chỗ đứng trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, độc lập và chủ quyền của ngành sản xuất trong nước cũng cần được hỗ trợ bởi những thay đổi trong tư duy và hành vi. Chính phủ cần tăng cường giáo dục, vận động để khích lệ các doanh nhân tham gia lĩnh vực sản xuất; người dân cũng cần nhận thức rằng việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước là một hành động yêu nước và đáng khích lệ.