Người hướng đạo

Khi còn là một sinh viên đại học, tôi đã tham gia vào một nhóm bạn trí thức “nổi loạn”. Chúng tôi thường ngồi lại với nhau và làm một công việc của những kẻ bề trên là phê phán và “hạ bệ” tất cả mọi người, bất kể họ là ai. Lúc bấy giờ, những luồng tư tưởng cực đoan phương Tây luôn được chúng tôi thích thú đón nhận một cách vô tội vạ.
Người hướng đạo

Khi còn là một sinh viên đại học, tôi đã tham gia vào một nhóm bạn trí thức “nổi loạn”. Chúng tôi thường ngồi lại với nhau và làm một công việc của những kẻ bề trên là phê phán và “hạ bệ” tất cả mọi người, bất kể họ là ai. Lúc bấy giờ, những luồng tư tưởng cực đoan phương Tây luôn được chúng tôi thích thú đón nhận một cách vô tội vạ.

Trong số đó, tôi đặc biệt tôn sùng “học thuyết siêu nhân” của Nitsơ và đã “lậm” nó lúc nào không biết. Từ một con người có bản tính nhút nhát, hiền lành, tôi trở nên cao ngạo và khinh khi tất cả bạn bè. Điều đó đã làm cho bạn bè xung quanh xa lánh tôi. Tôi đã tưởng rằng: tôi là một trong những người thấu hiểu chân lý, và rồi sẽ có một ngày tôi sẽ là một “Napôlêông”, một kẻ mạnh dám vượt lên tất cả những luân lý, chuẩn mực đạo đức thông thường để đào luyện trở thành bá chủ…

Tôi đã tưởng tượng, đã mơ tưởng và có lẽ tôi sẽ còn chìm mãi trong giấc mộng điên cuồng ấy nếu như không có một cơ duyên bất ngờ đến với tôi. Trong ngày sinh nhật, một kẻ “bí mật” đã tặng cho tôi một món quà với lời đề tặng đầy cám dỗ: “Người hướng đạo tinh thần cho bạn !”. Món quà đó chính là bộ tiểu thuyết Tội ác và hình phạt do đại văn hào Nga F. M. Đôxtôiepxki sáng tác vào những năm 60 của thế kỷ XIX, Cao Xuân Hạo dịch, Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 1982.

Cầm quyển tiểu thuyết trên tay, ban đầu tôi không tin những gì “kẻ bí mật” đã nhắn gởi, nhưng sau này, những gì quyển sách đã đem đến cho tôi là những niềm hạnh phúc bất ngờ.

Ngay từ đầu, tôi đã ngỡ ngàng vì tưởng rằng mình đã tìm được người hướng đạo tinh thần. Raxkônnhikôp, nhân vật trung tâm trong tác phẩm, đã có những suy tư và trăn trở như chính tôi đã trăn trở và suy tư về con đường thực hiện sứ mệnh siêu nhân. Với ý thức về sứ mệnh “Cứu chuộc thế giới”, anh ta (cũng như tôi) đã tỏ ra khinh bỉ “những người bình thường”, thừa nhận những “kẻ phi thường”, anh ta tự cho mình cái quyền “tiêu diệt” hàng chục, hàng trăm, và thậm chí hơn nữa, những người bình thường nếu  họ ngăn cản anh ta trên con đường thực hiện sứ mệnh.

Tác phẩm đạt đến cao trào khi Raxkônnhikôp quyết định đột phá tư tưởng bằng cách giết chết mụ già cầm đồ keo kiệt và cả người em gái hiền lành nhẫn nhịn của bà ta. Hành động này đúng là một tội ác mang nguồn gốc tinh thần, một tội ác như là điều kiện để Raxkôânnhikôp, và có thể cả tôi, đào luyện để trở thành một siêu nhân thực thụ, một siêu nhân với sứ mệnh “giải cứu thế giới”.

Tội ác của Rakônnhikôp tự dưng làm tôi kinh hãi, nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích thú vì nghĩ rằng anh ta vẫn đúng và đó chính là “kẻ hướng đạo” của mình. Sự hấp dẫn của tác phẩm và sự cám dỗ của tư tưởng Raxkônnhikôp đã giúp cho tôi đọc nốt phần còn lại của tác phẩm, mặc dù tôi không thích văn chương. Lúc này,tôi đã rất hồi hộp muốn biết kết cục của anh ta, và cả chính tương lai của tôi!

Nhưng những gì diễn ra ở phần tiếp theo của tác phẩm đã làm tôi ngỡ ngàng và sực tỉnh. Raxkônnhikôp, sau hành động giết người đã bị lương tâm chất vấn và đồng loại ruồng bỏ. Anh ta bị mọi người xa lánh, những người thân xa lánh và ngay chính phần người còn lại trong anh ta cũng xa lánh. Anh ta trở thành một người sống dở, chết dở Raxkônnhikôp phải cúi đầu thành tâm chấp nhận hình phạt của lương tâm để mong được tái sinh trong đau khổ và sự bao dung của đồng loại.

Món quà kỳ diệu đến với tôi đã gần 10 năm. Kể từ ngày đó, tôi  bắt đầu biết yêu văn chương và say mê những tác phẩm vĩ đại của đại văn hào Đôxtôiepxki. Những lúc rảnh rỗi tôi vẫn thường đọc lại Tội ác và hình phạt và suy ngẫm về nó. Càng nghĩ, tôi càng thấm thía những dự đoán và cảnh báo của Đôxtôiepxki.

Mong sao những lời tiên tri và cảnh báo của Đôxtôiepxki được nhân loại cảnh giác và những kẻ lầm đường nhận được ánh sáng khải ngộ như Raxkônnhikôp đã từng nhận được qua sự đối chất với lương tri nhân loại.

TRẦN VĂN THỊNH
(Cán bộ giảng dạy môn Ngữ văn, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ)

Tin cùng chuyên mục