Giải mật tài liệu tình báo thời Thế chiến II

Người hùng “hai mang”

Người hùng “hai mang”

Một điệp viên Anh từng là tội phạm hình sự đề nghị được giao nhiệm vụ đánh bom ám sát trùm phát xít Adolf Hitler. Đó là thông tin mới được cơ quan tình báo Anh MI5 giải mật. 

Bí mật “Điệp viên Dzíc-dzắc”

Người hùng “hai mang” ảnh 1

Trước khi các tài liệu này giải mật, người ta chỉ biết tay điệp viên đó là Eddie Chapman, một tội phạm hình sự chuyên nghiệp từng được phát xít Đức huấn luyện làm điệp viên rồi trở thành một trong những điệp viên hai mang thành công nhất của Anh. Chapman có mật danh là “Điệp viên Dzíc-dzắc” (Agent  Zigzag).

Còn trong thông tin mới, Chapman đang thụ án 15 năm tù vì tội trộm cướp khi phát xít chiếm đảo Channel Islands hồi tháng 6-1940. Cơ quan tình báo quân sự Đức (Abwehr) đào tạo Chapman thành điệp viên và nhảy dù xâm nhập Vương quốc Anh hồi tháng 12-1941. Gã hứa sẽ cho nổ một xưởng sản xuất chiến đấu cơ cho Không lực Hoàng gia Anh. Vừa đặt chân xuống xứ đảo sương mù, Chapman lập tức đầu thú với cảnh sát và được giải lên MI5.

Trong lúc bị MI5 điều tra, Chapman (27 tuổi) nói gã muốn trở lại Đức để ám sát Hitler. Tài liệu vừa giải mật ghi lại cuộc đối thoại giữa Chapman với chuyên viên điều tra Ronnie Reed, người bảo bất kỳ âm mưu ám sát Hitler nào cũng có thể là cuộc tự sát của kẻ ra tay: “Thành công hay không thì anh vẫn bị khử lập tức”.

Chapman đáp: “Thế à, nhưng đó là một cách giải thoát”. Rồi gã giải thích trùm Abwehr mà gã chỉ biết mật danh là “Tiến sĩ Graumann” hứa nếu thành công trong nhiệm vụ xâm nhập Anh sẽ đưa gã đến dự một cuộc mít-tinh và xếp gã “đứng ở hạng nhất hoặc hạng nhì”, gần diễn đàn của Hitler. Nếu cần thiết, gã cũng sẽ được mặc quân phục sĩ quan cấp cao của Đức.

Người hùng “hai mang” ảnh 2

Tài tử Christopher Plummer diễn vai Chapman trong phim “Ba lần vượt biên”

Theo MI5 đánh giá trong hồ sơ giải mật thì “Tiến sĩ Graumann” có tên thật là Stephan von Groning và cũng như nhiều sĩ quan Abwehr, ông ta là một trong những người chống đối Hitler một cách ngấm ngầm nên muốn mượn tay Chapman khử Hitler.

Giấc mộng “thích khách” bất thành

Reed xem đề nghị của Chapman là nghiêm túc nên báo cáo lại với lãnh đạo MI5. Đề nghị của gã giang hồ có lẽ cũng nhận được sự chú ý của Thủ tướng Anh thời chiến Winston Churchill. Ông quan tâm đến “Điệp viên Dzíc-dzắc” và yêu cầu luôn thông tin cho ông biết tiến độ chuẩn bị kế hoạch ám sát này.

Nhưng vì nhiều lý do không được giải thích đầy đủ, vụ ám sát Hitler đã không thể xảy ra. Giáo sư M.R.D Foot, nhà sử học lừng lẫy về Thế chiến II, cho rằng quyết định bác kế hoạch ám sát có thể từ nhiều yếu tố, gồm chủ trương lâu nay của Anh là chống lại việc ám sát các nguyên thủ nước ngoài và kể cả việc không tin Chapman nổi tiếng về khoản giỏi vượt ngục.

Một lý do khác dẫn đến quyết định không chọn Chapman làm “thích khách” có lẽ là từ việc phát xít ra tay trả thù dã man những du kích người Tiệp do Anh huấn luyện hồi tháng 5-1942, sau khi họ ám sát Reinhard Heydrich vốn được xem là người sẽ lên thay Hitler làm trùm phát xít.

Tung hê người hùng “hai mang”

Sau đó, Chapman cũng được “ném” trở lại Đức làm điệp viên hai mang nhưng được đích thân chỉ huy tình báo Anh là Đại tá Tommy “Tar Robertson” khuyến cáo: “Chớ tự ý thực hiện hành động ẩu tả” nào. Chapman cũng thuyết phục được “chủ” Đức rằng gã hoàn thành nhiệm vụ đánh bom xưởng máy bay trên đất Anh bằng những tấm ảnh chụp do MI5 dàn dựng.

Năm 1943, Chapman nhận lệnh qua Paris, nơi gã được thưởng Huy chương Chữ Thập Sắt “nhờ sự can đảm và thành công” kèm “phong bì” đựng số tiền 110.000 mác Đức. Thế là từ một cựu tội phạm hình sự, Chapman trở thành người Anh duy nhất được thưởng huy chương của phát xít. Gã còn được Abwehr thưởng một chiếc du thuyền và giao nhiệm vụ đào tạo điệp viên tại Na Uy.

Năm 1944, “Điệp viên Dzíc-dzắc” lại nhảy dù xuống đất Anh, góp công vào những chiến dịch làm nhiễu thông tin để bom bay V1 của Đức không đánh trúng mục tiêu. Sau đó Chapman được MI5 cho về hưu, “sống xa hoa ở London và luôn cặp bồ với những người phụ nữ đẹp”.

Thật ra, MI5 ngại Chapman mà cạn túi sẽ làm càn và tiếp tục phạm pháp và chưa biết chừng còn làm họ “bẽ mặt” nếu hắn tung hê những bí mật thời chiến. Sau khi Thế chiến II kết thúc, cả Đức và Anh đều tung hê “người hùng” Chapman, kẻ được tha thứ một cách không chính thức cho những tội phạm hình sự. “Điệp viên Dzíc-dzắc” qua đời ngày 20-12-1997, thọ 83 tuổi, nhưng không rõ nguyên nhân cái chết.


                                                                                                               Trần Trí (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục