Người Hoa trong lòng đất Việt

Người Hoa trong lòng đất Việt

Từ 28-2 đến 4-3-2007, lễ hội văn hóa người Hoa đã diễn ra trên toàn quốc. Đây là một nét son đậm đà nhất từ trước đến nay thể hiện hình ảnh sinh động về việc người Hoa hội nhập trong lòng đất Việt.

Người Hoa trong lòng đất Việt ảnh 1

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân thăm các hộ người Hoa nghèo ở Q6 trong dịp Tết vừa qua. Ảnh: MINH ANH

1. Người Hoa đến Việt Nam vào nhiều thời điểm khác nhau nhưng tiêu biểu nhất là vào năm 1672, khi Mạc Cửu và gia quyến của ông đến vùng đất Mang Khảm (Hà Tiên) và vào năm 1678, khi Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên chỉ huy 3.000 người Hoa vượt biển đến Quảng Nam và được Chúa Nguyễn cho định cư tại vùng Biên Hòa và Mỹ Tho.

Như vậy khi người Việt mở bờ cõi khai phá Đàng Trong, người Hoa đã trở thành một bộ phận máu thịt của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Khi Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo cách mạng, phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột trong cộng đồng Hoa đã chuyển từ tự phát sang tự giác và đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đất nước ta lại có thêm nhiều liệt sĩ Hoa ghi tên mình trên bia Tổ quốc, đó là Trần Bội Cơ, Lý Phong, Lý Cảnh Hớn, Hàn Hải Nguyên và còn là Trần Khai Nguyên, Hà Bá Tường…

Nhắc đến đồng bào Hoa là nhắc đến các lễ hội phủ đầy trong năm và các lễ hội ấy đều căn cứ vào lịch mặt trăng (rằm, mồng một…). Ví như tháng giêng, đồng bào Hoa có Tết Nguyên đán (trùng với ngày tết của cả dân tộc), Tết Nguyên tiêu (rằm); tháng hai có lễ vía Phật Quan Thế Âm Bồ Tát; tháng ba có tiết Thanh minh; tháng tư có Dục Phật tiết (Lễ tắm Phật); tháng năm có tiết Đoan ngọ; tháng bảy có Ngày cúng Ngưu Lang-Chức nữ, lễ Khất xảo, rằm tháng bảy (còn gọi là lễ Vu Lan báo hiếu); tháng tám có Tết Trung thu; tháng chín là tiết Trùng dương cúng ông bà tổ tiên; tháng mười có ngày vía Ông Thủy quan tam phẩm (treo đèn giấy); tháng mười một là tiết Đông chí (Người già ăn chè trôi nước cầu xin tăng tuổi thọ); tháng mười hai có ngày Vĩ nha (cúng làm ăn lần cuối trong năm); đưa ông Táo về trời…

Hầu hết các ngày lễ, hội, các dịp cúng kiếng theo phong tục truyền thống Hoa cũng được các dân tộc khác ở nước ta tham gia rất sôi nổi.

2. Ông Châu Văn Hai, Phó Trưởng Ban Công tác người Hoa TPHCM, tự hào: “Cả nước có 862.371 người Hoa thì tại TPHCM đã có đến 428.768 người. Đến nay, đồng bào các giới người Hoa đã đóng góp cho Đảng bộ TPHCM 762 đảng viên, 8.792 đoàn viên TNCS và 21.273 thanh niên ưu tú.

Năm 2006, các quận có đông người Hoa sinh sống như 5, 6, 8, 11, Tân Phú… có mức tăng trưởng từ 7,8%-25,4%, đóng góp rất lớn vào mức tăng trưởng 12,2% của TPHCM”. Các doanh nghiệp người Hoa như Kinh Đô, Thiên Hòa, Biti’s, Tân Cường Thành, Vạn Thịnh Phát, Thái Tuấn… đã góp phần vào hoạt động kinh tế sôi động của cả nước.

Năm 2006, TPHCM có 1 doanh nghiệp (DN) người Hoa nhận Huân chương Lao động hạng III (Kinh Đô); 4 DN đạt Cúp Thánh Gióng; 10 doanh nhân tiêu biểu Sài Gòn; 4 DN đạt giải thưởng “Sao vàng đất Việt”; 6 DN với 9 sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố được công nhận…

Theo Ban Công tác người Hoa TPHCM, các hội đoàn-hội quán của người Hoa như Tuệ Thành, Nghĩa An, Nhị Phủ Miếu, Hải Nam, Sùng Chính, Ôn Lăng… ra đời nhằm đáp ứng các nhu cầu kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế của những người Hoa xa quê hương trước kia nay trở thành những nơi sinh hoạt văn hóa-tín ngưỡng rất phổ biến.

Năm 2006, các hội đoàn-hội quán đã đóng góp 6,5 tỷ đồng, xây 54 nhà tình thương giúp xóa nghèo cho 1.817 hộ người Hoa nghèo.

Dịp Tết Đinh Hợi, Ban Công tác người Hoa TPHCM được Chủ tịch nước CHXHCNVN tặng Huân chương Lao động hạng II.

3. Nguyên tiêu hội - một lễ hội văn hóa của người Hoa được xem là lớn nhất từ trước đến nay đang diễn ra trên toàn quốc (chủ yếu tại TPHCM, có 20 tỉnh thành tham dự, từ 28-2 đến 4-3), địa điểm chính là tại công viên 30-4 (TPHCM) và các quận có đông người Hoa sinh sống.

Có mặt tại khu vực được mệnh danh là “China Town” (Q5) của TPHCM, chúng tôi ghi nhận một không khí lễ hội náo nức chưa từng có. Khắp nơi treo đèn lồng đỏ, các hội quán, chùa đông nghịt khách; cờ phướn, xe mô tô thể thao ken dày trên từng con đường.

Các trò chơi dân gian như “câu cá vàng”, “Gieo tú cầu”, “Đố đèn”… diễn ra nhộn nhịp; từng đoàn lân-sư-rồng nhảy múa tưng bừng trên các con đường chính. Các bài hát, điệu múa của dân tộc Hoa như Chúc phúc, Hương men tình nồng, Heo vàng may mắn, Cúng hỷ, Người đến từ Triều Châu, Ngũ phúc lâm môn… vang lên rộn ràng. Tất cả hòa quyện với không khí thanh thoát, vương mùi hương khói nghiêm trang của dịp Rằm tháng Giêng.

Không những vậy, tại Trung tâm TPHCM-Công viên 30-4, Triển lãm “Thành tựu KT-VH-XH người Hoa” có sự tham gia của 20 tỉnh thành có đông người Hoa sinh sống với các bộ sưu tập tiền cổ, văn bia, gốm sứ (Quảng Nam); điêu khắc đá, gốm hoa, thư pháp (Đồng Nai); trang phục người Hoa xưa và nay (Kiên Giang); hoạt động sản xuất (Hà Giang) và các loại tranh thủy mặc, bon sai, thư pháp, gia phả… của đồng bào Hoa qua các thời kỳ.

Trở lại khu vực “China Town”, buổi họp mặt phụ nữ Hoa (đêm 28-2) diễn ra đầm ấm trong tiếng đàn hồ cầm, tỳ bà, souna, phèn la… của Đoàn Nghệ thuật Hồng Công và Đoàn Nghệ thuật Q5. Đêm sau (1-3) và đêm 2-3, các đoàn nghệ thuật người Hoa tỉnh Khánh Hòa, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu… lại đến sân khấu ngoài trời Trung tâm Văn hóa Q5 để giao lưu và phục vụ hàng chục ngàn đồng bào Hoa tham gia lễ hội.

Một nét son đậm đà nhất từ trước đến nay đã diễn ra không chỉ để phục vụ người Hoa, một bộ phận không thể thiếu của cộng đồng, mà còn là hình ảnh sinh động về việc người Hoa hòa nhập vào lòng đất Việt.


Dương Minh Anh

“Thành tựu kinh tế của người Hoa là một bộ phận không tách rời thành tựu kinh tế của TPHCM. Tôi vui mừng trước các hoạt động hiệu quả về văn hóa, giáo dục, xã hội từ thiện, xây nhà tình nghĩa, phụng dưỡng các Bà mẹ VNAH của đồng bào Hoa và đó là nét son giá trị truyền thống cần phát huy để xây dựng cộng đồng, xây dựng thành phố ngày càng phồn thịnh”.

(Đồng chí Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịchThường trực UBND TPHCM)

Tin cùng chuyên mục