
Tại TPHCM có đến 460.000 người Hoa trong tổng số hơn 1 triệu người Hoa trên cả nước. Đây là nguồn nhân lực lớn có nhiều mặt mạnh cơ bản và cũng có những hạn chế cần sớm khắc phục để phát triển toàn diện hơn.
Năng động và giàu kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh
Giàu kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh là mặt mạnh của người Hoa. Chính nhờ sự tích lũy kinh nghiệm của những lần thất bại và thành công nên người Hoa nắm bắt nhanh nhạy thị trường, tuân theo quy luật thị trường và biết đề ra những giải pháp kinh doanh đúng đắn. Trong quá trình tổ chức sản xuất của người Hoa, người quản lý luôn luôn là người có tay nghề cao, hiểu biết rộng trên thương trường và có phong cách gần gũi với nhân viên. Ít thấy hiện tượng quan liêu trong cơ chế quản lý ở các cơ sở sản xuất của người Hoa.

Phố buôn bán đông dược của người Hoa trên đường Triệu Quang Phục quận 5 TPHCM.
Trong cung cách làm ăn, người Hoa bao giờ cũng có đầu óc thực tiễn: lấy nhu cầu nội địa làm chính để phát triển nhu cầu xuất khẩu và lấy nhu cầu xuất khẩu để phát triển nhu cầu sản xuất nội địa. Liên kết kinh tế và tinh thần tương ái, giúp đỡ lẫn nhau để làm ăn là mặt mạnh của người Hoa.
Có nhiều hình thức liên kết khác nhau, nhưng hình thức liên kết cùng nghề nghiệp là phổ biến. Hình thức này loại trừ được sự cạnh tranh không lành mạnh, thống nhất giá cả trên thị trường, giúp nhau tồn tại và phát triển. Những mối liên kết trong sản xuất kinh doanh vẫn được người Hoa thực hiện khá tốt.
Thí dụ như: ở những khu phố sản xuất và kinh doanh đông dược, giá cả của các mặt hàng gần như thống nhất; ở khu phố buôn bán những sản phẩm phục vụ cho múa lân, múa rồng, sự liên kết được thể hiện rõ ở cùng chất liệu sản phẩm, giá cả gần như nhau…
Người Hoa rất chú trọng đến việc học tập kinh nghiệm của những thế hệ đi trước để làm giàu thêm vốn sống, vốn kinh nghiệm trong công việc sản xuất kinh doanh hàng ngày. Người Hoa coi trọng việc huy động vốn từ nguồn lực cộng đồng thông qua các hình thức tín dụng dân gian được ràng buộc với nhau bằng các mối quan hệ thân tộc, dòng họ.
Hình thức tín dụng gia đình, dòng họ trong buổi đầu tạo vốn đã tạo cho các doanh nghiệp người Hoa có thể yên tâm để vạch ra các kế hoạch kinh doanh ở từng hạng mục và thời gian khác nhau mà không bị các nguyên tắc thủ tục tài chính thúc ép hoàn trả. Hình thức tín dụng dân gian còn tạo điều kiện cho những người nghèo cũng có thể tham gia hoạt động buôn bán, giúp doanh nghiệp người Hoa có thể huy động một lượng tiền mặt lớn và nhanh, kịp thời giải quyết các hợp đồng “nóng” và nhanh chóng giành được ưu thế cạnh tranh.
Trình độ học vấn và chuyên môn còn thấp
Theo cuộc khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ phát triển kinh tế và cung ứng lao động quận 5: 95% chủ doanh nghiệp đánh giá lao động người Hoa làm việc chăm chỉ, có tinh thần trách nhiệm cao; 72% chủ doanh nghiệp đánh giá lao động người Hoa luôn năng động và sáng tạo trong công việc hàng ngày. |
Hoạt động sản xuất kinh doanh của người Hoa ở TPHCM chủ yếu theo quy mô kinh tế nhỏ, hộ gia đình. Với hình thức sản xuất kinh doanh nhỏ này, người Hoa luôn được bảo trợ chặt chẽ bởi những quan hệ thân nhân, dòng họ. Quy tắc “cha truyền con nối” và “tiệm mẹ đẻ tiệm con” là quy luật phát triển rất bền vững của nền kinh tế nhỏ của người Hoa.
Đây vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm bởi nhiều thanh niên Hoa dựa vào truyền thống “thế tập” này nên ít quan tâm đến việc học tập kiến thức chung. Đây cũng là một trong nhiều lý do khiến khá đông lao động trẻ người Hoa trong các doanh nghiệp do người Hoa làm chủ có trình độ học vấn thấp. Đa số người Hoa tại TPHCM ít chịu đi học nghề ở các trung tâm dạy nghề hay tại các trường cao đẳng, đại học mà chủ yếu dựa vào sự huấn luyện, truyền nghề trong gia đình.
Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở TPHCM, chỉ có 3,03% người Hoa từ 13 tuổi trở lên tại TPHCM có trình độ chuyên môn (có bằng cấp). Điều này sẽ là nguyên nhân làm tụt hậu về mặt kinh tế - xã hội của cộng đồng người Hoa trong tương lai nếu chưa được khắc phục.
Còn theo kết quả khảo sát tại 42 doanh nghiệp người Hoa ở quận 5, chỉ có 5% lao động người Hoa có bằng cấp đáp ứng yêu cầu công việc. Công nhân mới tuyển vào làm ở các doanh nghiệp này đa số là do chủ doanh nghiệp dạy nghề hoặc là do công nhân cũ dạy lại. Việc cử đi học tay nghề hầu như không có và cũng chỉ có 6/42 doanh nghiệp có nhân sự phụ trách kỹ thuật để huấn luyện cho công nhân mới tuyển vào làm việc.
Mặt khác, do hạn chế về ngôn ngữ cộng với tâm lý ngán ngại khi tiếp xúc với các cơ quan nhà nước và do nguyên nhân khách quan là sự tuyên truyền những chủ trương, chính sách của nhà nước trong lĩnh vực kiến thức pháp luật lao động còn hạn chế nên đa số công nhân người Hoa và kể cả các chủ doanh nghiệp người Hoa hiểu biết về pháp luật lao động còn hạn chế.
Phát huy có hiệu quả nguồn nhân lực người Hoa
Việc quan trọng đầu tiên chúng ta phải làm là tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng hơn những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và công tác đối với người Hoa; tạo điều kiện hỗ trợ để người Hoa có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế phù hợp với năng lực, sở trường của mình một cách chủ động và từng bước chuyển từ lao động thủ công lạc hậu, rời rạc manh mún trở thành lao động có tay nghề và liên kết, hợp tác với nhau để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách có hiệu quả. Nên chú trọng việc tuyên dương, khen thưởng, động viên người Hoa tự hào về những đóng góp quan trọng của mình vào sự phát triển của thành phố và đất nước.
Cùng với các giải pháp tạo hành lang pháp lý thuận lợi để huy động mọi tiềm năng về vốn, khoa học công nghệ và kinh nghiệm quản lý của người Hoa, nên tổ chức nhiều câu lạc bộ doanh nghiệp, câu lạc bộ khoa học và công nghệ nhằm tạo điều kiện cho người Hoa tham gia để tăng cường giao lưu, học hỏi, truyền nghề, kết nối dự án và các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ.
Tổ chức các khóa học về chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý cho người Hoa, cung cấp những thông tin cần thiết về thị trường. Thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người Hoa có kinh nghiệm và có năng lực quản lý giỏi, có trình độ chuyên môn sâu để làm công tác thỉnh giảng và báo cáo thực tế tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp để phát huy nhân rộng sự thành công, những ưu điểm nổi bật trong hoạt động sản xuất kinh doanh và các kinh nghiệm quản lý của người Hoa.
Để động viên và tạo điều kiện cho tất cả người Hoa trong độ tuổi đến trường đều phải đi học, hạn chế tới mức thấp nhất việc bỏ học, chính quyền địa phương và các hội đoàn, hội quán của người Hoa nên chú trọng việc biểu dương, khen thưởng đối với những gia đình người Hoa có nhiều người đi học và học ở trình độ cao. Đồng thời xây dựng và hoàn thành giáo trình giảng dạy tiếng Hoa, chăm lo động viên đội ngũ giáo viên người Hoa, đào tạo được ngày càng nhiều người trở thành giáo viên tiếng Hoa. Thành lập các quỹ học bổng, giải thưởng để động viên người Hoa đi học nghề và học để có những học vị cao: thạc sĩ, tiến sĩ.
PHẠM ĐỨC HẢI