Sách còn được đưa vào các trường mẫu giáo và thư viện tại Đan Mạch. Trong thời gian chờ Quỳnh biên soạn tăng lên 169 tình huống nguy hiểm, sách tiếp tục được in dựa trên lượng khách đặt mua online.
Xây dựng gia đình và định cư tại Đan Mạch gần 10 năm, có 2 con trai 6 và 4 tuổi, tốt nghiệp ngành Phiên dịch và đang học ngành Cố vấn, Quỳnh Choleva không chỉ dày vốn ngôn ngữ mà còn sở hữu vốn sống phong phú để viết sách, soạn giáo trình ngôn ngữ, thiết kế bài giảng về uốn nắn hành vi cho trẻ. Ý tưởng viết sách của Quỳnh bắt đầu khi tham gia một số chương trình dạy trẻ em ở Đan Mạch. “Nhiệm vụ của tôi lúc đó là thiết kế bài giảng cùng các chuyên gia dạy những bé đang gặp khó khăn về ngôn ngữ và giao tiếp, ví dụ trẻ tự kỷ, tăng động, các bé sinh ra trong gia đình sử dụng đa ngôn ngữ…”.
Nghiên cứu nhiều phương pháp, cuối cùng, Quỳnh tìm ra cách sử dụng các thẻ tranh nối tiếp để thể hiện tình huống. Cụ thể, cô dùng 4 bức tranh với các hành động mô tả liên tiếp (giống cách họa sĩ vẽ phim hoạt hình) để nêu bật nguyên nhân, hậu quả của mỗi tình huống nguy hiểm. Tài liệu đưa vào dạy trẻ nhận được đánh giá cao từ phía phụ huynh cũng như giáo viên.
Hoàn thành bản thảo Dạy trẻ về 64 tình huống nguy hiểm, Quỳnh liên lạc và gửi tới Nhà xuất bản Saxo. Gần 3 tháng sau, sách được xuất bản và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Sách phù hợp cho trẻ 2-9 tuổi, giai đoạn các bé tò mò nhất, thích khám phá thế giới xung quanh nhất, tỷ lệ thuận với những nhọc nhằn, lo lắng của cha mẹ. Cuốn sách cũng hữu ích cho trẻ tự kỷ, tăng động và các bé gặp khó khăn về ngôn ngữ, hành vi.
Sắp tới, sách tái bản với khoảng 169 tình huống, thêm phiên bản tiếng Anh, bao phủ tương đối đầy đủ những trường hợp nguy hiểm trẻ có thể gặp trong cuộc sống. “Tôi sẽ đưa cuốn này tiếp cận thị trường của Amazon. Đa phần tai nạn xảy ra với trẻ em đều do bất cẩn của người lớn. Tôi là mẹ, cũng đã và đang đứng trong vai trò giảng dạy nên càng hiểu nhu cầu này cần thiết thế nào. Hiện tôi khá bận rộn, nhưng khi thu xếp được thời gian, sẽ bắt tay viết lời tiếng Việt cho cuốn này’’.
Tài liệu dạy ngôn ngữ cho trẻ của Quỳnh cũng có mặt tại thị trường Mỹ gần một năm nay. “Cũng bắt đầu từ công việc giảng dạy ngôn ngữ, tôi không tìm được nhiều tài liệu hỗ trợ để dạy các bé tự kỷ, bắt buộc phải tự thiết kế giáo trình. Để soạn được một tài liệu tốn biết bao công sức, chỉ để mình sử dụng thì quả là uổng phí. Hơn nữa, tôi tin rằng có nhiều giáo viên khác cũng cần. Thế là tôi đưa sản phẩm lên mạng để bán cho các giáo viên và chuyên gia ngôn ngữ tại Mỹ. Từ khi đưa ra thị trường đến nay, ngày nào tôi cũng bán được ít nhất chục sản phẩm”.
Dĩ nhiên, 2 con trai của Quỳnh được hưởng lợi đầu tiên từ quá trình viết sách, soạn tài liệu giảng dạy của mẹ. Chị muốn dạy các con theo tâm lý vừa học vừa chơi, mong các con tích lũy thêm nhiều kỷ niệm tuổi thơ bên mẹ.