Người “hiền”, người tài

Về công ty công tác 2 năm, anh H. một thạc sĩ trẻ trong diện quy hoạch cán bộ dài hạn, mới chợt nhận ra rằng ông giám đốc không muốn cấp dưới hơn mình. Anh liệt kê danh sách những người mà ông giám đốc quy hoạch, đó hầu hết là  những “người hiền”, dễ bảo và dễ nghe. Ông này quan niệm những người không cãi lại, tức là “trên bảo dưới nghe”, như thế mới là kỷ cương!
 
Tương tự như vậy, nhiều đơn vị xuất hiện tình trạng cán bộ trẻ chỉ cần chăm chỉ làm việc, tuân thủ kỷ luật, không bị kêu ca quá mức, không để xảy ra tai tiếng, lại biết “quan hệ” tốt với cấp trên, thế là được đánh giá “có năng lực”. Lại có nơi, việc chọn cán bộ trẻ không phải bằng tài mà bằng tiền, bằng tình, thậm chí từ… cái nhìn dễ coi. Với vốn kiến thức quản trị kinh doanh học ở nước ngoài, H. nhận xét, kiểu tuyển chọn như thế, nhiều khi là những phần tử cơ hội lại được thu nạp chứ không phải cán bộ trẻ thực tài.

Do quan niệm và cách sử dụng người mang tính cá nhân, nhiều cán bộ trẻ thiếu năng lực và kém phẩm chất vẫn thăng tiến đều đều, từ đó căn bệnh làng nhàng lây lan ra cả hệ thống. Nhưng có người giỏi mà không sử dụng tốt, lại gây lãng phí lớn. Hai năm trước, ở quận B, có lãnh đạo vì nhầm lẫn “giỏi chuyên môn sẽ giỏi quản lý”, nên đề bạt một cán bộ trẻ giữ chức vụ quản lý cao. Một thời gian sau, người này bộc lộ những non kém trong quản lý, nhiều khi sơ đẳng. Đến khi cấp ủy tìm cách sửa sai, thôi không cho làm quản lý nữa thì khả năng chuyên môn của người này đã mai một đi khá nhiều.

Ngược lại, về phía bí thư cấp ủy, cũng có vị lâm vào tình cảnh khó xử. Một lãnh đạo sở ở TP than thở: không ít lần, ông buộc phải chấp nhận các trường hợp do “lịch sử để lại”, hay “cấp trên gửi gắm” để nhận cả cán bộ không đúng chuyên môn, rồi thời gian sau, với “sức ép vô hình”, ông đưa người đó vào diện quy hoạch cán bộ trẻ! Có đơn vị được gửi gắm nhiều quá, đã biến thành “nhà trẻ lớn”…

Khó sử dụng, không sử dụng hoặc sử dụng cán bộ trẻ không đúng mục đích, nhiều người đổ tại cơ chế, nhưng dù có cơ chế mà tâm không sáng, không minh bạch, cứ để cho sự “dích dắc” của chức quyền, tiền bạc, thân thích và nể nang len lỏi vào công tác cán bộ thì đến khi muốn cơ cấu lớp trẻ vào cấp ủy, nhiều người trong số họ đã chuyển công tác khác hoặc số trẻ còn lại đã… già mất rồi!

LÊ HOÀI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục