Người Hàn Quốc đến quỳ gối xin lỗi dân làng Hà My

41 người Hàn Quốc, họ đến quỳ gối và cúi đầu xin tạ lỗi với nhân dân làng Hà My với những gì mà thế hệ đi trước của họ gây tội ác, giết chết 135 dân thường vô tội nơi đây. Trong số 41 người Hàn Quốc quỳ gối, cúi đầu tạ lỗi hôm nay có người thân của những người lính Nam Hàn từng tham gia trong chiến tranh Việt Nam.
Những người Hàn Quốc đến quỳ gối xin lỗi dân làng Hà My
Những người Hàn Quốc đến quỳ gối xin lỗi dân làng Hà My

Sáng nay, 11-3, ông Kang U Il, Chủ tịch Quỹ Hoà bình Hàn - Việt (trưởng đoàn) và Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc ông Kim Hyun Kwon cùng các thành viên của Quỹ có chuyến viếng thăm và tham dự Lễ tưởng niệm 50 năm Vụ thảm sát Hà My tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

41 người Hàn Quốc dâng hoa viếng 135 thường dân Hà My vô tội bị giết hại năm 1968 
Đau thương Hà My

Từ sáng sớm 11-3, nhằm 24 tháng Giêng năm Mậu Tuất, hàng trăm người dân làng Hà My (phường Điện Dương, Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đến di tích tưởng niệm vụ lính Nam Hàn thảm sát 135 người dân vô tội tại xóm Tây, làng Hà My để chuẩn bị lễ tưởng niệm.

Nơi đây, đúng 50 năm trước, vào 24 tháng Giêng năm Mậu Thân (1968), Lữ đoàn lính Rồng Xanh của Nam Hàn đã tàn sát dã man nhân dân làng Hà My, khiến 135 người dân vô tội chết thảm, trong đó phần lớn là phụ nữ, người già và trẻ em.

Bà Trương Thị Hú (80 tuổi, trú xóm Tây, làng Hà My), người có 2 con bị lính Hàn Quốc giết hại năm 1968 

Với tinh thần “Một hạt hòa bình, một hạt gieo hòa bình! (a Piece of Peace, a Piece for Peace)”, Quỹ Hòa bình Hàn - Việt là một tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập vào ngày 19-9-2016, thuộc Ủy ban Nhân quyền quốc gia Hàn Quốc (NHRCK). Quỹ là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, hoạt động với mục đích vì hòa bình để Hàn Quốc và Việt Nam không trở thành cửa khẩu chiến tranh mà là tâm điểm hòa bình của Châu Á.

Được thành lập nhằm kế thừa và phát huy phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” vốn bắt đầu từ năm 1999 của các cá nhân, đoàn thể xã hội Hàn Quốc, cũng như xuất phát từ sự phản tỉnh về vấn đề chiến tranh Việt Nam, Quỹ Hòa bình Hàn - Việt hướng những hoạt động của mình đến mục tiêu nhằm xoa dịu những nỗi đau chiến tranh của Việt Nam và Hàn Quốc, và cùng chung tay xây dựng một tương lai hòa bình, bền vững.

Quỹ Hòa bình Hàn - Việt hoạt động nhằm phản tỉnh và hàn gắn những nỗi đau chiến tranh của Việt Nam và Hàn Quốc. Tiến hành các hoạt động xác minh sự thật lịch sử, xin lỗi và hối cải về vấn đề chiến tranh Việt Nam, tưởng niệm nạn nhân các vụ thảm sát, hỗ trợ các nạn nhân và địa phương bị thiệt hại trong chiến tranh… Bằng những hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục hòa bình cộng đồng, nuôi dưỡng thế hệ tương lai, Quỹ sẽ gầy dựng cảm hứng hòa bình ra rộng khắp toàn xã hội.

Ông Trần Minh Dũng (SN 1960, người làng Hà My) cho biết, ông có bà Nội - bà Nguyễn Thị May (SN 1900) là một trong 135 người bị lính Rồng Xanh Hàn Quốc giết hại. Ông kể, thời điểm ấy, ông mới được 8 tuổi, chiến tranh ác liệt, cả gia đình ông cùng một số dân làng phải tản cư vào phường Thanh Hà (Hội An). Lính Nam Hàn đã vận động người dân trở lại làng, dồn vào một nơi rồi giết hại dã man.

Ông bảo, đã 50 năm qua, những hình ảnh người dân làng Hà My bị lính Hàn Quốc giết hại vẫn ám ảnh ông và cả những người làng. Ngày hôm qua (23 tháng Giêng), làng Hà My dường như nhà nào cũng có đám giỗ. Họ giỗ những người thân bị giết hại năm 1968. Có nhà có 1 người, có nhà có đến 3 người cùng chết trong 1 ngày.

Vụ thảm sát tại xóm Tây, làng Hà My vào sáng ngày 24 tháng Giêng năm Mậu Thân (1968) do Lữ đoàn Rồng Xanh của quân đội Nam Triều Tiên gây ra đã làm 135 đồng bào vô tội vĩnh viễn ra đi, hàng chục người là nạn nhân trong vụ thảm sát may mắn còn sống sót nhưng phải mang di tật suốt đời.

50 năm trôi qua nhưng nỗi kinh hoàng và những đau thương của vụ thảm sát vẫn còn lắng đọng trong ký ức của người dân Điện Dương nói chung và những thân nhân còn lại của những người đã mất nói chung.

Tại buổi lễ tưởng niệm, ông Đinh Hùng Liên, Chủ tịch phường Điện Dương, cho biết: “Việc ghi nhớ lịch sử đau buồn đã xảy ra tại xóm Tây làng Hà My không chỉ là một phần an ủi vong linh của những người quá cố mà còn là nguyện vọng của các tổ chức Hàn Quốc trong việc sám hối trước quá khứ đầy bạo lực, nhằm dựng nên một trang sử hòa bình mới”.

Một người Hàn Quốc, một thành viên trong đoàn của Quỹ Hoà bình Hàn - Việt cùng bà Trương Thị Hú, người có 2 con bị giết hại năm 1968 
Theo ông Liên, từ sau ngày giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, theo nguyện vọng của nhân dân cũng như của thân nhân đồng bào bị sát hại, năm 2000, được sự hỗ trợ của Hội Cựu chiến binh Hàn Quốc cùng nguồn kinh phí của địa phương và sự đóng góp của nhân dân, chính quyền địa phương đã xây dựng một nhà bia để làm nơi tưởng niệm, hương khói thăm cho những người đã mất.
Đầu năm 2000, địa phương đã khởi công xây dựng và khánh thành nhà bia tưởng niệm vụ thảm sát này và đưa vào sử dụng đến nay.
Người Hàn Quốc đến quỳ gối xin lỗi dân làng Hà My ảnh 4 Người dân thắp hương cho mộ gió tập thể dân làng Hà My bị lính Hàn Quốc giết hại 
“Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày vụ thảm sát kinh hoàng, nhân dân Điện Dương anh hùng đã khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, vì hòa bình, hữu nghị quốc tế, chung tay xây dựng cuộc sống mới, đưa vùng đất đầy đau thương trong lịch sử chiến tranh trở thành phường năng động, có bước phát triển nhanh…”, Đinh Hùng Liên cho biết.
Người Hàn Quốc đến quỳ gối xin lỗi dân làng Hà My ảnh 5 Thế hệ trẻ làng Hà My thắp hương viếng 135 dân thường làng Hà My bị giết hại năm 1968 
Quỳ gối xin lỗi dân làng Hà My!

Tại buổi lễ, ông Kang U Il, Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn - Việt và Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc ông Kim Hyun Kwon  cùng 40 người đại diện cộng đồng giáo sư, đại diện nông dân, văn nghệ sĩ, những nhà hoạt động xã hội, giáo viên, học sinh - sinh viên... đến dâng hoa, viếng hương 135 người dân thường vô tội bị lính Rồng Xanh Hàn Quốc giết hại.

Người Hàn Quốc đến viếng hương 135 dân thường Hà My bị lính Hàn Quốc giết hại năm 1968 
Sau đó, 41 người Hàn Quốc đã quỳ gối và cúi đầu xin tạ tội với dân làng Hà My vì những gì mà lính Rồng Xanh Hàn Quốc gây ra trong chiến tranh Việt Nam.
Những người Hàn Quốc đến quỳ gối tạ lỗi với dân làng Hà My 
"Vụ thảm sát xảy ra đến nay đã tròn nửa thế kỷ nhưng có lẽ sức chúng tôi vẫn còn non yếu nên ngần ấy thời gian đã trôi qua mà chúng tôi vẫn còn dậm chân tại chỗ trước lịch sử, trước sự thật. Sự thật về một ngày đã phủ bóng đêm đen tối lên làng Hà My năm Mậu Thân - 1968 mà mãi đến ngày tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát năm 2018 hôm nay vẫn còn bị chôn ngầm dưới tấm hoa cương chạm vẽ hoa sen nọ.
Dù quá khứ có hổ thẹn đến đâu thì sự thật vẫn cần được đưa ra ánh sáng một cách toàn vẹn nhất để rút ra từ đây bài học lịch sử cho những sai lầm này không còn lặp lại về sau. Bởi chỉ khi chúng ta thắt một nút kết đúng đắn cho quá khứ thì nút kết ấy mới có thể trở thành bàn đạp của tương lai, hướng chúng ta về một sự hòa giải và một nền hòa bình chân chính.
Xin lỗi! Thành thật xin lỗi! Chúng tôi sẽ không quên. Chúng tôi sẽ luôn khắc nhớ và xin hứa: giây phút cử hành lễ tưởng niệm 50 năm thảm sát Hà My này sẽ là sự khởi đầu cho nửa thế kỷ tới của một nền hòa bình mới." - ông Kang U Il, Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn - Việt cúi đầu tạ tội.
Người Hàn Quốc đến quỳ gối xin lỗi dân làng Hà My ảnh 8 Dân làng Hà My đến viếng hương những người thân bị lính Hàn Quốc giết hại năm 1968 

TOÀN VĂN

Bài điếu văn tại lễ tưởng niệm 50 năm ngày thảm sát Hà My của ông Kang U IL, Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn-Việt

Người Hàn Quốc đến quỳ gối xin lỗi dân làng Hà My ảnh 9 Kang U IL, Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn-Việt
Kính thưa quý vị đại biểu tỉnh Quảng Nam.

Kính thưa các gia đình thân nhân, thưa bà con làng Hà My.

17 năm trước, bia tưởng niệm đã được dựng lên ở nơi đây, để rồi, vào dịp lễ tưởng niệm lần thứ 45 của vụ thảm sát, chúng tôi đã tìm đến đây để dâng hương, cúi đầu tủi hổ. Thời gian thấm thoát, hôm nay đã là ngày tưởng niệm tròn 50 năm, và chúng tôi vẫn tìm về, vẫn cúi mặt trong niềm hổ thẹn khôn nguôi.

Đứng trên mảnh đất nơi từng là hiện trường của một vụ thảm sát tang thương tột cùng, không thể tin và cũng không muốn tin này, chúng tôi không cất nổi thành lời, dù chỉ là một lời xin lỗi, chỉ còn biết gồng mình cố nén tiếng khóc cứ chực vỡ òa ra. 

Biết làm sao để được thứ tha?! Hỡi những sinh mệnh đáng thương chưa sống trọn kiếp người. Chỉ còn lại cái tên, mà đâu chỉ vậy, có những người còn chưa kịp có tên để lưu lại trên bia đá lạnh. Biết phải làm gì để được thứ tha?

Hỡi những bà con làng Hà My đã mất đi ruột thịt yêu thương, cùng anh em, chòm xóm! Chúng tôi biết lấy gì để có thể xoa dịu, ủi an? Chẳng còn biết làm gì ngoài một tấm lòng thành tâm tưởng niệm, cầu xin sự siêu thoát cho những vong linh của làng Hà My.

Tủi hổ càng thêm tủi hổ!

Vụ thảm sát xảy ra đến nay đã tròn nửa thế kỷ nhưng có lẽ sức chúng tôi vẫn còn non yếu nên ngần ấy thời gian đã trôi qua mà chúng tôi vẫn còn dậm chân tại chỗ trước lịch sử, trước sự thật. Sự thật về một ngày đã phủ bóng đêm đen tối lên làng Hà My năm Mậu Thân - 1968 mà mãi đến ngày tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát năm 2018 hôm nay vẫn còn bị chôn ngầm dưới tấm hoa cương chạm vẽ hoa sen nọ.

Dù quá khứ có hổ thẹn đến đâu thì sự thật vẫn cần được đưa ra ánh sáng một cách toàn vẹn nhất để rút ra từ đây bài học lịch sử cho những sai lầm này không còn lặp lại về sau. Bởi chỉ khi chúng ta thắt một nút kết đúng đắn cho quá khứ thì nút kết ấy mới có thể trở thành bàn đạp của tương lai, hướng chúng ta về một sự hòa giải và một nền hòa bình chân chính.

Xin lỗi! Thành thật xin lỗi!

Chúng tôi sẽ không quên. Chúng tôi sẽ luôn khắc nhớ và xin hứa: giây phút cử hành lễ tưởng niệm 50 năm thảm sát Hà My này sẽ là sự khởi đầu cho nửa thế kỷ tới của một nền hòa bình mới.

Chúng tôi thuộc các thành phần sau đây là thành viên của Đoàn Quỹ Hòa bình Hàn – Việt, thành kính dâng hương, xin được xá tội trước vong linh những người đã ngã xuống trong đau thương uất hận.

Tôi, KANG U IL, Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn – Việt; đại diện cộng đồng giáo sư Hàn Quốc, gồm các ông: SEO JOONG SEOK, SONN HO CHUL; đại diện những thầy thuốc Hàn Quốc gồm các ông: SONG PHIL KYUNG, JUNG SANG HO; đại diện các giáo viên Hàn Quốc gồm các thầy giáo: KIM KYUNG MAN, CHO YONG JIN và cô giáo CHANG HAE OK; đại diện những nông dân Hàn Quốc gồm các ông: KIM CHANG YIL, LIM YOUNG KYU; đại diện những nghệ sĩ văn hóa Hàn Quốc gồm bà PARK YOUNG HEUI, ông AN GEON MO, ông OH SANG CHUL, bà YOO YI BOON, ông JUN SHANG CHUN, ông CHOI YOUNG OK; đại diện những nhà hoạt động xã hội Hàn Quốc gồm bà KU SU JEONG, ông KIM DONG WON, bà KIM MI HYON, ông KIM SUNG HOON, ông KIM SOO NYUN, ông PARK JUN KYU, bà PARK KYOUNG HA, bà SEO JIN HEE, bà SEOK MI HWA, bà SHIN YOUNG OK, bà LEE MEANG SUK, bà YIM MAE HWA, ông JANG WOO KWANG, bà JANG HA NEUL, bà JUNG MI KYUNG, bà JEONG SOL KYUNG, bà CHO YOUNG JA, bà CHOI SUNG HEE, bà HONG MIN KYUNG, ông HOUNG HEE SOUNG; đại diện những học sinh, sinh viên Hàn Quốc gồm ông KOONG JUNG WOOK, bà KIM JOO YOUNG, ông KWON HYUN WOO, bà YEO EUN JONG; cùng Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc ông KIM HYUN KWON.

Tất cả chúng tôi có mặt tại đây xin được thành kính dâng hương và cúi đầu tạ tội. Từ nơi xa xôi, những người bạn Hàn Quốc không thể đến tham dự buổi lễ hôm nay vẫn thắp lên một nén tâm nhang và cúi đầu mặc niệm, cầu xin sự bình an cho những linh hồn đã khuất.

Hỡi vong linh của 135 vị của làng Hà My! Xin các vị thôi hãy nguôi đi những oán trách, buồn đau, những nỗi oan khiên, phẫn nộ ngày nào mà ra đi thanh thản.

Ngày 11 tháng 3 năm 2018

Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn - Việt, KANG U IL

Tin cùng chuyên mục