Trong không gian đơn sơ, bà Phạm Thị Lượng lật từng trang giấy ghi những tiểu phẩm mà bà cùng CLB bài chòi huyện Mộ Đức biểu diễn. Bà Lượng giới thiệu về bài chòi qua tiếng hát trong đoạn trích “Về với đất mẹ”, rằng: “Anh Trung ơi, kỷ vật này mãi theo anh mà giờ đây anh chỉ còn là xương tàn trong đất lạnh. Anh Trung ơi, bao năm rồi hiu quạnh, giờ anh hãy về với mẹ nghe anh… Mẹ già tuổi đã xế chiều, giờ anh mòn mỏi hắt hiu thân tàn, mình anh nằm giữa rừng hoang, bốn bề gió núi mây ngàn xa xa. Anh ơi, đất mẹ quê nhà mỏi mòn trông đợi đứa con xa trở về”.
Bà Lượng chia sẻ: "Đây là lời than khóc của người vợ liệt sĩ cùng cựu chiến binh đi tìm hài cốt trên núi. Đến cảnh cuối bài chòi, lúc tìm thấy mộ người con trai cũng là lúc người mẹ qua đời. Khi mà một bạn ở Trung tâm Truyền thông- Văn hóa - Thể thao huyện Mộ Đức đưa cho tôi lời và gửi gắm chuyển thành hát bài chòi, tôi xúc động với ca từ của “Về với đất mẹ”. Chỉ trong vài tiếng, tôi đã chuyển thể thành lời ca”.
Sau mỗi một bài chòi biểu diễn thành công trên sân khấu là những giọt mồ hôi trên gương mặt của các nghệ nhân hòa lẫn trong niềm vui với nghề. Bà Lượng chia sẻ: “Nghệ thuật biểu diễn bài chòi sân khấu vừa ca vừa diễn, trong ca có nói có cảm xúc. Khi đó, bài chòi mang hơi thở cuộc sống, ký ức lịch sử, văn hóa, lưu giữ bản sắc của người dân bản xứ. Bài chòi trên sân khấu tái hiện cuộc sống rất đời”.
Bà Lượng kể lại, cơ duyên gắn bó với bài chòi là vào năm 16 tuổi, lần đầu vào Phan Thiết thăm người cô ruột là NSƯT Phạm Hữu Ích (Đoàn dân ca kịch liên khu V). Cô gái 16 tuổi lần đầu được nghe, nhìn thấy các cô, chị em biểu diễn bài chòi và say mê làn điệu dân ca này và nhờ cô ruột tận tình chỉ bảo một thời gian.
Sau khi vào TPHCM mưu sinh rồi về lại Quảng Ngãi, những tưởng đã thôi không thể gắn bó với hát bài chòi nhưng như một sợi dây gắn chặt, khi UBND xã Đức Chánh nhờ bà “đạo diễn” các chương trình biểu diễn ở quê nhà. Về sau, bà Lượng đi biểu diễn khắp nơi trong các huyện và tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 2018, bà Lượng đóng góp công sức trong việc tham gia xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể.
Sau khi được UNESCO ghi danh, huyện Mộ Đức mở các lớp dạy dân ca bài chòi, trong đó bà Lượng giữ chức Chủ nhiệm CLB bài chòi huyện Mộ Đức và là nghệ nhân đứng lớp chính dạy dân ca bài chòi. Hoạt động góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa di sản này trong cộng đồng, đào tạo đội ngũ kế cận để tiếp nối, phát huy giá trị bài chòi.
Lớp học kéo dài từ năm 2018 đến nay, có lúc đến hơn 40 thành viên tham gia học bài chòi, phần lớn là giáo viên, cán bộ địa phương và người dân tâm huyết với bài chòi. Bà Lượng cho biết: “Trên lớp, tôi hướng dẫn các thành viên học từng làn điệu bài chòi như: Xuân nữ, Cổ bản, Xàng xê, Hồ quảng, Nam xuân, Vè quảng, từ các làn điệu này, người hát bài chòi sáng tạo ra những bài mới như một ca khúc dân gian”.
Tháng 9-2023, trong lúc đang dạy lớp dân ca bài chòi mà huyện Mộ Đức phân công, bà Lượng cảm thấy choáng váng, khi đưa vào bệnh viện, bà biết mình bị ung thư tuyến giáp. Bà chia sẻ: “Lúc đó, tôi cứ nghĩ phẫu thuật xong sẽ không hát được nữa, cuộc đời tôi rất khổ nhưng nhờ bài chòi mà tôi vượt qua, nuôi con gái rồi con gái cũng theo mẹ học hát làm đẹp cho đời. May mắn là sau phẫu thuật, tôi hồi phục nhanh và tập hát bài chòi trở lại dù chất giọng không được như xưa, nhiều chỗ luyến láy không tròn chữ nhưng giữ được nghề là mừng lắm”.
Bà Võ Thị Minh Quyên, Trung tâm Truyền thông-Văn hóa- Thể thao huyện Mộ Đức, cho biết, năm 2018, sau khi UNESCO công nhận Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, huyện Mộ Đức nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung tập trung bảo tồn và phát huy giá trị bài chòi.
Bà Lượng được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích điển hình tiên tiến tiêu biểu trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tỉnh Quảng Ngãi năm 2019.
Cũng năm 2019, bà được Bộ Trưởng Bộ VH-TT-DL tặng Kỷ niệm chương trong đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch.