Gia đình ông Trần Đình Yêm đã làm rượu cần truyền thống từ rất lâu đời. “Rượu cần của đại ngàn có hương vị men tự nhiên độc đáo mà không thức rượu nào có được bởi chất men được làm từ loài cây nằm sâu trong rừng già và hương vị kết tinh từ lúa rẫy", ông Yêm nói.
Ông Yêm nắm bột men rắc đều lên gạo nếp đã nấu và bắt đầu câu chuyện về “men rừng” này. “Nhờ có chất men độc đáo này mà người uống rượu say hương rượu nồng nàn đất trời, để rồi người miền xuôi hay miền núi đều tìm đến rượu cần ngày tết”, ông Yêm nói về rượu cần.
Men rượu được làm từ cây men của núi rừng. Cây này sau khi được giã nát, vắt lấy nước sẽ lấy bột gạo hoặc bột bắp trộn vào rồi ủ liên tục từ 1 đến 2 ngày để lên men tự nhiên. Sau khi hỗn hợp đã kết tinh vón cục, vo thành bánh rồi đem phơi khô và bảo quản trong lá chuối để men không bị bay hơi.
Để tạo nên rượu cần truyền thống, người nấu rượu như ông Yêm phải chuẩn bị nhiều nguyên liệu quan trọng, trong đó có nếp từ lúa rẫy và trấu. “Nếp lúa rẫy được nấu như cách nấu cơm nếp thông thường nhưng không được nhão. Sau đó, lấy men đã được vo thành bánh đem ra giã bột rồi rắc đều lên cơm nếp đã nấu chín, trộn đều lại và cho vào ché rượu để ủ” - ông Yêm nói. Rượu cần ủ sau 1 tuần thì có thể uống, nhưng thời gian ủ càng lâu thì càng đậm đà.
Để rượu cần có màu trong như lúa gạo, người H’rê cho vào dưới ché rượu lớp trấu có thể lọc rượu . Ông Yêm chia sẻ: “Trấu lúa cũng phải sàn lọc cẩn thận và chỉ lấy trấu tách đôi hạt lúa mà không được phép lấy trấu vụn cho vào ché, khâu này rất quan trọng để đảm bảo hương vị lúa rẫy và rượu không bị cặn”.
Để uống rượu cần, người H’rê dùng cây Triêng, có cuống dài cả mét, chặt ra, phơi khô, rút bỏ lõi và cắt thành cần hút. Ông Yêm mua cây Triêng này từ những người đi rừng và mỗi lần ông thường mua cả ngàn cây.
Để chuẩn bị cho dịp tết, ông Yêm đã nấu hơn 500 ché rượu cần, ché rượu làm bằng gốm loại 6 lít, 9 lít, 10 lít, mỗi ché có thêm 3 cây triêng. Theo ông Yêm, chất liệu làm gốm từ đất sét, rượu cần vốn ủ từ men rừng, lại quyện vào gốm đất tạo nên thức rượu tự nhiên. "Trong tiềm thức văn hóa người H'rê, mọi vạn vật hòn đá, cây cỏ, sông suối, đất sỏi... đều có linh hồn, cuộc sống người H'rê trong vạn vật rất hiền hòa, tôn trọng như chính bản thân mình và rượu cần cũng như vậy" - ông Yêm nói.
Mấy năm nay, rượu cần người H'rê dần được nhiều người biết đến, nghề làm rượu vì thế mà được tiếp thêm nguồn sinh khí mới. Cứ cuối năm, ông Yêm cùng vợ là bà Huỳnh Thị Toàn và con gái là Trần Thị Bích Thành lại quanh quẩn với củi lửa, bếp núc, nấu cơm, trộn men, ủ rượu…
Ông Huỳnh Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: “Rượu cần là văn hóa vật chất không thể thiếu trong đời sống tinh thần sinh hoạt cộng đồng từ xưa đến nay của người H’rê. Ở thị trấn Di Lăng, hiện có 5 người chuyên làm rượu quanh năm, có nhiều gia đình có đến 3 - 4 thế hệ làm rượu như gia đình ông Yêm”.