Trong ngôi nhà ấm áp những ngày cuối năm, Nghệ nhân nhân dân Trịnh Công Sơn đang sửa soạn lại cuốn tập viết dở bài chòi năm mới, ông pha nước trà ấm, ngẫu hứng ngâm nga một đoạn bài chòi: “Gió xuân phảng phất nhành tre/ Mời bà con cô bác lắng nghe bài chòi/ Vui đất nước từng ngày đổi mới/ Mừng nhân dân hồ hởi tinh thần/ Bài chòi mở hội vui xuân/ Hội vui đón tết, hội mừng lập công…”.
Năm nay ông Sơn lại vắng nhà, ông chuẩn bị ra Đà Nẵng để trình diễn bài chòi mừng tết đến, xuân về. Ông nói: “Đời nghệ nhân xa nhà là chuyện thường ngày, tôi thỉnh thoảng ở Quảng Ngãi, hoặc ra Đà Nẵng rồi đi các tỉnh, nơi nào mời thì tôi có mặt. Tết xa quê cũng buồn nhưng được phục vụ bài chòi cho người dân, du khách du xuân, ai ai cũng lắng nghe, tham gia trò chơi, khơi dậy tình yêu loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống thì lòng tôi vui mừng khôn xiết”.
Nghệ nhân nhân dân Trịnh Công Sơn thường chia sẻ rằng, nơi các nghệ nhân bài chòi trình diễn là các "sân khấu đất", dù không có ánh đèn sân khấu, lấy đất làm sân, nhưng nói lên cái hồn bài chòi, gần gũi, chân quê với người dân. Ảnh: NVCC |
Sinh ra trong gia đình truyền thống hát hố tại xã Đức Nhuận (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), ông đã sớm tiếp cận và được cha mẹ chỉ dạy hát hố, đây là thể loại hát giao duyên, xuất phát trong lao động, đời sống của người dân và phổ biến các làng xã ngày xưa. “Khi hát hố mai một theo thời gian, làng xã không còn người hát, tôi đi sưu tầm rải rác khắp mọi nơi nhưng cũng rất ít người biết về hát hố. Có nền móng từ đam mê hát hố, tôi có duyên tiếp cận bài chòi, các câu từ, làn điệu đã thấm sâu vào tâm trí tôi, tôi say mê với cả bài chòi và hát hố, mỗi loại hình có nét đặc sắc riêng biệt”.
Sau năm 1975, ông Sơn vào đoàn văn công của tỉnh Nghĩa Bình và gặp bà Trần Thị Mỹ Lệ, sau này là vợ ông. Họ có chung niềm đam mê với hát hố, bài chòi. Đến năm 1989, tỉnh Nghĩa Bình chia tách, nên việc hình thành đội diễn gặp nhiều khó khăn, lúc này, cả hai về lại tỉnh Quảng Ngãi sinh sống.
Năm 2013, tỉnh Quảng Ngãi thành lập Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố. Ông Sơn và nhiều thành viên nhiệt tình tham gia. Lúc này, không có cơ sở hoạt động, ông Sơn lấy nhà làm Trung tâm, tạo điều kiện để nghệ nhân, nghệ sĩ hoạt động. Tuy nhiên, đến năm 2016, phong trào hoạt động yếu dần, không có đất diễn, cùng thời gian này, hai vợ chồng được Đà Nẵng mời ra để hoạt động.
Ông nói: “Từ thời gian đó đến nay, tôi đi dạy khắp các nơi, chủ yếu tại Đà Nẵng, hỗ trợ thầy cô giáo từ mẫu giáo đến cấp THCS để học sinh tiếp cận bài chòi, tìm hiểu về loại hình nghệ thuật dân gian”. Tính đến nay, ông đã tham gia dạy cho 6 trường THCS tại Quảng Ngãi, 3 trường THCS tại Phú Yên và gần 20 trường tại Đà Nẵng, hiện vẫn đang dạy tại Đà Nẵng”.
Bài chòi được UNESCO ghi danh “Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam” là Di sản văn hóa phi vật thể. Nhờ đó bài chòi được nhiều người biết đến, quan tâm hơn nhưng vẫn còn nhiều trăn trở với phát huy giá trị bài chòi, nên ông Sơn và nhiều người tâm huyết bài chòi đã sáng tác làm phong phú thêm bài chòi, kết hợp yếu tố dân ca và bài chòi, đưa bài chòi định hình lên sân khấu, đến gần với công chúng.
Năm 2018, vở diễn Núi rừng năm ấy đến với khán giả do các diễn viên Trung tâm bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi và hát hố Quảng Ngãi tham gia và chính ông Sơn đạo diễn, ông cũng huy động cả gia đình cùng con trai đảm nhiệm diễn viên.
Ông nói: “Vở diễn Núi rừng năm ấy, tôi lấy chất liệu thời kỳ kháng chiến ở miền núi huyện Trà Bồng, ca ngợi đồng bào các dân tộc cùng người Kinh ở miền xuôi đứng lên chống Mỹ cứu nước”.
Đến nay, ít nhất ông đã có 15 tác phẩm trình diễn các sân khấu và mang về nhiều giải thưởng.
Chất liệu bài chòi đa phần từ đời sống, ca ngợi vẻ đẹp non sông, đất nước, phản ánh sinh hoạt người dân. “Gió lượn sóng vờn vỗ mạn thuyền/Đứng bên bờ tam thương nhìn lên núi Ấn/ Áng mây chiều lãng đãng trên mặt nước sông Trà/ Thì thầm bờ xe nước như tiếng mẹ già ru nôi…”. Những hình ảnh con sóng, núi Ấn, sông Trà, bờ xe nước đều hiện lên trong bài chòi mang đặc trưng phong cảnh tỉnh Quảng Ngãi.
Cả cuộc đời với rất nhiều giải thưởng, bằng khen, huy chương... đều là tâm huyết của Nghệ nhân nhân dân Trịnh Công Sơn. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật gần 50 năm qua, ông Sơn đã nhận được rất nhiều giải thưởng, huy chương, bằng khen cấp khu vực và Trung ương. Mới đây hồi tháng 12-2022, ông được phong tặng danh hiệu danh dự Nhà nước “Nghệ nhân nhân dân”.
Một cuộc đời gắn bó với bài chòi, ông thiết tha mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể không bị lãng quên.