Tôi muốn nói đến Võ Thị Hảo và tuyển tập "Truyện ngắn chọn lọc" của chị (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1995). Võ Thị Hảo đã khiến tôi mất ngủ khi dõi theo sự nảy mầm và tồn tại của những hạt số phận chị đã gieo qua 27 truyện ngắn trong tập truyện ngắn chọn lọc này.
...Tôi nhớ, một thời dư luận xôn xao bởi sự xuất hiện của truyện ngắn "Người sót lại của rừng cười". Câu chuyện phản ánh những ước mơ thầm kín nhưng mãnh liệt, đến độ bộc phát thành những cơn điên dại bản năng của những cô thanh niên xung phong giữ kho quân nhu giữa rừng sâu Trường Sơn thời chống Mỹ. Một sự thật tàn nhẫn mà theo gác giả, "chỉ những ai đã từng qua chiến tranh, trải nỗi cô đơn đặc quánh, qua cảm giác đang cựa quậy giữa chốn giáp ranh, giữa địa ngục và trần gian mới hiểu nổi"... Có người hiểu, có kẻ hoài nghi. Nhưng cái bạn đọc cần trước hết là một cách nhìn, một sự cảm thông.
Còn đôi vợ chồng trẻ ở "Ngày không mút tay" lâm vào một cảnh ngộ bi đát khác, trong thời bình. Anh chồng bị tai nạn, một mình chị vợ bon chen kiếm sống. Các con họ thường xuyên "đưa tay lên miệng mút cho đỡ đói"! Chỉ duy nhất một ngày, theo định kỳ ba tháng một lần, bọn trẻ không phải mút tay.
Vào ngày ấy, mẹ chúng "ra đi rất sớm và về rất muộn, với vẻ mặt bơ phờ, một xâu thịt trong tay và một nắm tiền". Người vợ đi đâu? Có lẽ, sẽ rất dễ đồng cảm với anh chồng tội nghiệp: "Hắn mường tượng mồn một, đến đau đớn, khuôn mặt đẹp võ vàng của vợ hắn đang bị phủ dưới bản mặt một gã lạ hoắc nào đó. Xong việc. Một nắm tiền còm"... Song, sự thực xót xa và cao thượng hơn rất nhiều: Một ngày quá túng quẫn, "hắn" đến bệnh viện bán máu.
Vợ hắn cũng ở đấy, đang lả đi sau khi chìa cánh tay khẳng khiu cho viên y sĩ rút máu vào chiếc ống tiêm to tướng... "Nhận ra chồng, nàng gượng cười yếu ớt. Giữa những ngón tay buông lỏng của nàng rơi ra một cuộn giấy bạc nhàu nát. Thì ra, lâu nay nàng đã tới đây, cho bố con hắn có được một ngày-không-mút-tay"!!
Đọc Võ Thị Hảo, cảm giác bất trắc đè nặng khi chị cứ cho hiện lên đằng sau các con chữ những bóng dáng nhân vật khập khễnh, tật nguyền, nhưng bù lại, họ đẹp. Nét đẹp rờ rỡ, sáng trong của tâm hồn. Đó là anh chàng Rân, "một đứa trẻ ba mươi hai tuổi với khuôn mặt đàn ông tuyệt mỹ.
Khuôn mặt ấy kết thúc không có hậu bằng đôi chân của đứa bé ba tuổi trắng muốt chảy thõng". Là một cô bé dị dạng mà "tạo hóa đã say rượu khi nặn ra" với những ước mơ thánh thiện trong Máu của lá; là cô gái mù hình dung cuộc đời qua âm thanh vọng lại từ chiếc tivi bên nhà hàng xóm, cẩn trọng đến từng hạt mưa rơi trong lòng bàn tay, thầm mong đủ mười giọt để tình yêu đến với mình ở Làn môi đồng trinh; là người đàn bà hủi trong Phiên chợ người cùi buồn tênh, lạnh vắng.
Và kết tinh mọi bất hạnh nằm trong số phận Thảo, Người sót lại của rừng cười...
Mỗi thân phận, một cảnh đời là "một giọt buồn riêng biệt", như cách nói của Võ Thị Hảo. Chị đã "gieo hạt" bằng trái tim đau đớn và đồng cảm sâu xa với từng số phận nhân vật. Chị cũng đồng thời gieo vào tâm hồn tôi niềm xót thương xen lẫn sự ngưỡng mộ trước những hạt-số-phận đã tồn tại mạnh mẽ trong cuộc đời (dù chỉ là hư cấu?!), tìm mọi cách vượt thoát bất hạnh để thỉnh thoảng lóe sáng sắc màu hạnh phúc...
Tôi thích cách gieo hạt của Võ Thị Hảo và học được ở những cây đời chị đã gieo nhiều điều...
DƯƠNG THANH THANH
(Thư viện Khoa học Tổng hợp Vĩnh Long)