Nhóm người trú mưa bên hiên quán cà phê bất chợt cũng chùng lòng, mấy cô cậu thanh niên đang bấm điện thoại cũng dừng lại, nhìn bà cụ với ánh mắt đầy chia sẻ. Trong lúc đó, ắt hẳn sẽ có người đang nghĩ về những người lớn tuổi trong gia đình họ.
1. Gần 8 giờ tối, người đổ ra phố đi bộ Bùi Viện ngày càng đông, mấy chỗ giữ xe phía đầu đường Bùi Viện giáp với đường Trần Hưng Đạo cũng gần hết chỗ, nhân viên liên tục dắt xe cho khách. Chỗ giữ xe kế quán cà phê, cả gia đình bốn người, anh chồng đang dẫn xe cho khách, chị vợ thu tiền giữ xe, chị hai trông chừng, đếm lại số xe, người mẹ già gần 80 tuổi ngồi ngay cạnh đó, tay ôm khư khư một cái túi nhỏ.
Vài hạt lắc rắc, rồi chợt ào xuống, cơn mưa không báo trước, khiến khách ra phố đi bộ lật đật tìm chỗ trú. Hiên quán cà phê khá rộng, gần hai mươi con người chen chúc, bà cụ cũng kê cái ghế ngồi sát mép tường, cô con dâu che thêm cây dù sợ mưa tạt ướt bà.
- Chị hai cầm dùm em cây dù che cho mẹ, để em lấy cơm.
- Cơm chị mới đem ra còn nóng hổi luôn đó, em ăn luôn đi.
Cà men cơm, canh bí nấu đuôi heo với thịt kho còn nóng hổi, bốc khói. Chén cơm chan chung với canh, thịt kho để trên cùng. Bà cụ huơ tay: “Thôi, nhiêu đây được rồi, đừng bỏ thêm nữa, mẹ ăn hông hết đâu, bỏ mứa uổng lắm”. Cô con dâu thuyết phục tiếp: “Thêm miếng nữa nha mẹ, mẹ ăn ít quá khuya lại đói bụng”; chị hai tiếp lời: “Bữa nay có em nói mới chịu ăn thịt đó, chứ thường ngày mẹ ăn có chút xíu, thịt cá gì cũng hông chịu hết trơn”.
Mưa nặng hạt nên cũng tạt vào hiên quán cà phê chút đỉnh, chị dâu - em chồng vẫn đứng che ô, bà cụ ngồi ăn cơm ngon lành. Bà cụ ăn cơm, nhưng tay vẫn giữ chặt cái túi nhỏ, cô con dâu buộc miệng: “Mẹ đưa con ôm cho, mẹ ăn cơm cho thoải mái”. Bà cụ nhất định không đưa. “Hổng có tiền bạc gì đâu, giấy tờ tùy thân của mấy đứa, mẹ phô tô ra rồi đi đâu cũng ôm theo bên mình vậy đó”, chị hai vừa cười vừa nói với cô em dâu. Bà cụ chợt dừng chén cơm, vỗ về cái túi, rồi nói: “Phải giữ kỹ, để lỡ có đi đâu lạc thì người ta biết mình có người thân, có con cái, có gia đình”. Bà dứt lời, mưa trút xuống tầm tã hơn, và dường như có một chút cảm xúc gì đó vừa len lỏi qua nhóm người trú mưa bên hiên. Mấy cô cậu thanh niên, cũng ngừng bấm điện thoại nhìn bà cụ với ánh mắt đầy chia sẻ.
2. Có lẽ không chỉ người già, mà bất kể ai trong chúng ta dù có mạnh mẽ đến đâu, có quen với việc làm mọi thứ một mình đi chăng nữa, cũng sẽ có lúc sợ cô đơn, sợ một mình, sợ không có người thân.
Còn nhớ hồi đi học, vì sắp thi nên cô giáo cho bài tập khá nhiều, tôi ở lại làm bài đến hơn tám giờ tối, về đến nhà thì đã chín giờ, nhưng mẹ tôi vẫn chờ và chưa ăn cơm. Tôi sốt ruột hỏi, sao mẹ không ăn trước, bởi mẹ tôi vốn đã quen ăn cơm chiều sớm, vì bao tử mẹ ăn khuya thì khó tiêu. “Mẹ chờ con về ăn luôn, ăn một mình buồn lắm”, mẹ tôi lúc đó cũng chỉ vừa ngoài 40, tuổi đó thì đã già cả gì đâu, nhưng mẹ tôi cũng không thích ăn cơm một mình, vì nó mang cảm giác buồn và cô đơn lắm.
Có muôn vàn lý do từ công việc đến bạn bè, rồi những mối quan hệ cá nhân, mà đôi lúc chúng ta thường dùng từ “bận” để giải thích cho việc quên đi những người già trong nhà cũng cần chia sẻ. Nội tôi cho đến ngày mất, bà vẫn luôn miệng dặn đám nhỏ: “Làm gì làm cũng nhớ về nhà nói chuyện với tao nha bây, có buồn bực gì nội cũng nghe tụi bây kể hết”. Thầy giáo của tôi cũng hay nói, người già có xu hướng trở lại như đứa con nít, dễ xúc động và rất cần chia sẻ, dù chỉ là ngồi nói chuyện phiếm với con, cháu trong nhà cũng khiến họ cảm thấy vui.
Những bận rộn của cuộc sống, rồi khoảng cách thế hệ, khiến người trẻ dần ít chia sẻ với những người lớn trong nhà. Cũng như bà cụ trong câu chuyện trên, ông bà, cha mẹ chúng ta họ cũng đang già đi mỗi ngày và họ cũng sợ cô đơn, sợ không người thân, không gia đình. Hãy dành vài phút mỗi ngày để nói chuyện nhiều hơn với những người lớn trong nhà, đôi khi chúng ta sẽ không đồng điệu được với nhau trong tất cả mọi chuyện, nhưng hãy nói ra để cảm nhận bên cạnh chúng ta luôn có một gia đình, có những người thân luôn sẵn sàng lắng nghe. Đừng để ai cô đơn, nhất là những người thân yêu của mình.