Nhưng, chúng tôi xem việc được “hành” lên bờ xuống ruộng đó là cái phước phải giữ gìn, trân quý trong từng khoảnh khắc. Nhà tôi hay gọi ba U.90 và má U.80 là hai “cục lì” và ông bà đã… lì cỡ chục năm qua, nhất là má.
Ba vô tư và lì theo style của trẻ tinh nghịch, khi cái gì ông cũng muốn tự mình làm, không cậy nhờ con cháu, bệnh nhẹ ông sẽ tự mình vượt qua, bệnh nặng thì… giấu. Đến khi vào viện mổ, ông mới “khoe” với bác sĩ một cách tỉnh bơ: “Tui bị đau mấy tháng nay mà tui giấu con tui đó”, đám con cháu nghe xong bật ngửa.
Ngày ba xuất viện, từ nhắc nhở, năn nỉ đến cằn nhằn, chúng tôi muốn ba thừa nhận mình đã già, cái gì cũng phải nói và để con cháu làm cùng. Rồi ông vẫn… ngoan cố, đứa nào xem ông là người già, nhào vào làm thay việc gì sẽ bị giận - kiểu giận lẫy của một người già tâm tính trẻ con, giận một chút rồi lại thôi.
Má lại thuộc trường phái đối lập 180 độ. Càng có tuổi, “cô gái U.80” càng đỏng đảnh khó chiều như một tiểu thơ chính hiệu và nhất là sợ bệnh, khoái gặp bác sĩ, cảm thấy an tâm khi… vào viện. Trong hệ quy chiếu của má, vô tình không có một bác sĩ, bệnh viện nào tài giỏi được quá 3 tháng, bởi vài tuần má lại có nhu cầu đổi thuốc, đổi bác sĩ một lần.
Cũng cùng một loại sâm, loại yến nhưng lúc uống, má sẽ như một đứa trẻ bị ép uống thuốc, chê mùi nồng, ngán không muốn uống, nhưng vài ngày sau sẽ đòi uống bằng được… May mắn là nhà có đông con cháu và tất thảy từ con ruột, dâu rể, cháu đều một mực yêu thương ông bà nên mới đủ sức chiều nổi má. Tập đoàn con cháu trong nhà phải luôn đặt mình trong chế độ chạy có cờ, “quay” như dế… bởi má.
Trong kỳ nghỉ tết này thôi, vị tiểu thơ số 1 đã hai lần “dậy sóng”. Lần đầu, ngay những ngày giáp tết, má than mệt, nằng nặc đòi lên thành phố đi bệnh viện cho bằng được chứ bác sĩ ở quê trị hổng hết. Nhà ở quê đang đăng đăng đê đê công việc, con cái ở Sài Gòn cũng bận túi bụi với deadline vẫn xúm nhau thu xếp đứa nghỉ phép, đứa nghỉ học đưa má vào Bệnh viện Chợ Rẫy.
Vào gặp bác sĩ, má tự nhiên khỏe lại, nói chuyện líu lo, khoe đủ thứ việc. Bác sĩ vẫn kết luận như rất nhiều bệnh viện và bác sĩ khác, má chỉ bị những bệnh vặt của người già, thậm chí các chỉ số về máu còn tốt hơn người trẻ.
Rồi má vui vẻ ăn tết cho đến mùng 5, gia đình ăn uống quây quần để chia tay con cháu về Sài Gòn đi học đi làm xong, má lại nhập viện. Hôm khác, má từ trong phòng đi ra nói: “Sao má thấy cứ mệt mệt, má sợ chết quá à”.
Chúng tôi bỏ hết mọi thứ chạy đến ôm má vào lòng vỗ về, an ủi má như một đứa trẻ. Chúng tôi hiểu, nếu người trẻ thích náo nhiệt thì người già sợ cô đơn, thường xuyên làm mình làm mẩy để con cháu quan tâm.
Đó là quy luật của tự nhiên, ai rồi cũng thế, người già sẽ trở nên mong manh như đèn treo trước gió. Gia đình nào cũng vậy, bằng những câu chuyện khác nhau, nhưng sẽ đến một lúc mà con cháu phải bảo bọc, làm chỗ dựa, dỗ dành ba má như cách mà chúng ta đã từng mè nheo trong vòng tay của ba má khi xưa.
Mỗi người lớn lên, rời vòng tay ba má đến những vùng đất mới để tự do bay nhảy, đeo đuổi hạnh phúc và chinh phục ước mơ của đời mình. Rồi cũng như ba má, đến một ngày, ước mơ của mình đơn giản: nhõng nhẽo với con mình. Đó chính là vòng tuần hoàn của tình thân.
Thời gian trôi qua, đời người trở nên hữu hạn, với người già, cái hữu hạn càng gần, chúng ta tuyệt nhiên không thể thay đổi điều bất biến này của tạo hóa, nhưng có thể thay đổi sự quan tâm của mình dành cho ba má, dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện, nhẫn nại hơn với tâm tính của người già và hãy ôm họ khi còn có thể.
Nhiều người già hiện nay hiện đại lắm, họ nghĩ tới một viện dưỡng lão để dưỡng khi thiệt già. Thậm chí, họ tích cóp để làm điều đó mà không phiền con cháu sau này. Con cháu bây giờ cũng thoáng, nhiều bạn trẻ trên các nhóm ở mạng xã hội cũng không ngại “mang tiếng” để ông bà, ba má dưỡng già ngoài mái ấm gia đình. “Miễn ông bà vui và sống khỏe là được. Mình phải nghĩ vì người già, chứ đừng nghĩ thay họ”, ý kiến một bạn trẻ cũng đáng lưu tâm.