Lợi nhuận khủng
Tổng Thư ký LHQ cho rằng, ngành công nghiệp nhiên liệu thu lợi hàng trăm tỷ USD mỗi năm trong khi ngân sách của các gia đình ngày càng bị thu hẹp, còn hành tinh bị đốt cháy. Ông Antonio Guterres cũng chỉ trích “công cụ hỗ trợ” các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch gồm các ngân hàng, tổ chức tài chính, nhà quản lý tải sản vẫn tiếp tục đầu tư, tiếp tay cho hành động làm ô nhiễm môi trường, cũng như các cỗ máy quan hệ công chúng bảo vệ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch để thu về hàng tỷ USD.
Thừa nhận thực tế là than, dầu và khí đốt vẫn đóng vai trò quan trọng ở cả các nước phát triển và đang phát triển, ông Antonio Guterres nhấn mạnh: “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Theo CNBC, bài phát biểu tại Khóa họp 77 của Đại hội đồng LHQ là lời nhắc lại quan điểm ông Antonio Guterres từng đưa ra hồi tháng 8 vừa qua, rằng: “việc các công ty dầu khí đang kiếm lợi nhuận kỷ lục từ cuộc khủng hoảng năng lượng, kiếm tiền trên lưng những người nghèo nhất là vô đạo đức”. Ông Antonio Guterres cho biết thêm, tổng lợi nhuận của các công ty năng lượng lớn nhất thế giới kiếm được trong quý đầu tiên của năm nay là gần 100 tỷ USD.
Khái niệm áp thuế một lần đối với các doanh nghiệp năng lượng thu hút được sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây. Hồi tháng 5, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Rishi Sunak từng công bố chi tiết về cái được gọi là “thuế năng lượng có mục tiêu tạm thời” đối với các công ty dầu khí. Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng cho biết cơ quan này đang đề xuất giới hạn doanh thu của các công ty sản xuất điện với chi phí thấp.
“Lợi nhuận cần phải được chia sẻ và chuyển đến những người cần nó nhất. Và do đó, đề xuất của chúng tôi bao gồm cả các nhà sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch. Họ phải đóng góp cho cuộc khủng hoảng”, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh và cho biết đề xuất của Ủy ban châu Âu có thể huy động được hơn 140 tỷ EUR.
Lập quỹ bù đắp
Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên gây quỹ hỗ trợ khi cam kết hỗ trợ hơn 13 triệu USD để các quốc gia đang phát triển bị thiệt hại do thời tiết cực đoan. Bộ trưởng Phát triển Đan Mạch Flemming M.Mortensen đưa ra cam kết trên bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ. Đề xuất của Đan Mạch nằm trong khuôn khổ Luật Tài chính 2022 và cam kết của nước này dành ít nhất 60% khoản hỗ trợ khí hậu của mình để giúp các nước ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Mortensen cho biết quỹ này sẽ tập trung cho khu vực Sahel (Tây Bắc châu Phi) nói riêng và các khu vực gặp nhiều khó khăn nói chung. Bộ trưởng Mortensen nhấn mạnh: “Thật không công bằng khi những người nghèo nhất thế giới phải gánh chịu hậu quả nhiều nhất của biến đổi khí hậu trong khi họ không phải là tác nhân chính”.
Một số khu vực dễ bị tổn thương nhất, như các đảo địa hình thấp, đang thúc đẩy việc lập một quỹ để bù đắp “những tổn thất và thiệt hại” do biến đổi khí hậu gây hậu quả vượt quá khả năng thích ứng của họ. Ý định trên dự kiến được thảo luận tại các cuộc đàm phán về khí hậu của LHQ tại Ai Cập vào tháng 11 tới. Hiện Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc gia giàu có khác - những nước chiếm phần lớn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đang phản đối thành lập một quỹ riêng để khắc phục những thiệt hại do biến đổi khí hậu.