Xã Tịnh Hòa có 2 công trình cấp nước sinh hoạt gồm công trình Đông Hòa hoạt động năm 2004 và công trình Vĩnh Sơn, Đông Thuận hoạt động năm 2012, với tổng công suất thiết kế 1.000m3/ngày đêm, phục vụ nước sinh hoạt cho 1.600 hộ. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, các công trình này xuống cấp, nguồn nước cạn kiệt dần, khô hạn, thiết bị hoen gỉ mà không được tu bổ, sửa chữa.
Ông Bảnh cho biết, người dân xã Tịnh Hòa gặp khó khăn tìm nguồn nước sạch, nhà nào có giếng thì hầu hết đều bị nhiễm mặn, phèn, trong khi đó, công suất hoạt động thực tế của 2 công trình cấp nước sinh hoạt trên luôn ở mức dưới 500m3/ngày đêm, không đảm bảo nhu cầu dùng nước của người dân địa phương.
Các khu vực dân cư ở xa công trình như khu tái định cư Làng Cá lại càng chật vật hơn, nước giếng đều không sử dụng được, nhiều nhà khoan sâu đến 60-100m chỉ gặp tầng đá, không có nước. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đến hỗ trợ cho dân giếng nước nhưng đào xuống vẫn không có nước.
Công trình cấp nước sinh hoạt xuống cấp đã được ông Trần Văn Bảnh sửa chữa, khôi phục hoạt động trở lại. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Đến khi thôi chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, ông Bảnh về hưu, dành thời gian nghiên cứu, thăm dò nhiều nơi trên địa bàn xã để tìm mạch nước. Ông quyết định chọn thôn Trung Vĩnh để khoan giếng.
“Tôi quyết tâm tìm cho được nguồn nước sạch cho dân làng dùng. Tôi trao đổi với Đảng ủy, UBND xã Tịnh Hòa, nếu tôi khoan cái giếng đầu tiên mà có nước thì công trình nước sạch này tôi nhận, tôi sẽ sửa chữa, "hồi sinh" công trình này”, ông Bảnh tâm sự.
Tháng 8-2020, ông chi hàng chục triệu đồng thuê đội khoan giếng, khoan sâu đến 69m, may mắn gặp mạch nước ngầm. Nước từ trong lòng đất phun trào, ông Bảnh vui mừng khôn xiết: "Thế là có hy vọng rồi!". Ông tiếp tục khoan thêm 4 cái giếng tại cùng khuôn viên và đều gặp mạch nước ngầm.
Ông Bảnh nói: “May mắn cả 5 giếng đều có nước. Để dẫn nước về làng, cần có đường ống mới vì đa số đường ống cũ đều hoen gỉ, rò rỉ nước, tôi lại tiếp tục sửa đường ống, rồi lắp mô tơ, thay đồng hồ nước trong dân để mọi người sử dụng, tính cũng gần 250 triệu đồng nhưng có nước là mừng rồi”.
Tháng 6-2022, Tổ chức Madison Quakers, Inc (MQI) tặng 2 giếng khoan cho người dân xã Tịnh Hòa, ông Bảnh đề nghị khoan giếng ngay công trình nước sạch thôn Trung Vĩnh, bởi đây là nơi duy nhất ông đã khoan và có nước về làng. Vậy là, lần lượt 2 giếng khoan có độ sâu 85m, đường kính 140mm đóng giếng thành công.
Ông Bảnh bên giếng khoan do ông bỏ tiền túi đóng cho dân làng để có nước sạch dùng. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Đến hiện tại, ông Bảnh quản lý 7 giếng, mùa mưa có 5 giếng hoạt động ngày đêm, còn mùa nắng khô hạn hơn chỉ dùng 2 giếng. "Khu vực thôn Trung Vĩnh vẫn xảy ra trường hợp hụt tầng nước ngầm nhưng có nước để chảy về cho dân làng còn tốt hơn là không có nước sạch”, ông Bảnh bộc bạch; đồng thời xây thêm bể ở gần vùng núi thôn Trung Vĩnh để chứa nước, tăng lực nước chảy xuống cư dân vùng ven biển.
Ông Võ Văn Minh (khu tái định cư Làng Cá, thôn Hòa Thuận) cho biết: “Gia đình tôi về đây tái định cư hơn 20 năm, lúc trước có khoan giếng nhưng không dùng được do nhiễm mặn, phèn. Bây giờ nhờ ông Bảnh mà dân có nước sạch để dùng, mùa mưa nước về 24/24 giờ, sáng chiều đều có nước”.
Nhờ công trình nước sạch hoạt động trở lại mà Trường Mầm non xã Tịnh Hòa có nước sạch thay vì sử dụng nước giếng nhiễm mặn, phèn. Ông Bảnh cũng hỗ trợ nhà trường lắp 10 bể xi măng để làm hệ thống lọc, xử lý nước giếng dùng cho sinh hoạt, vệ sinh trong trường học, còn nước dùng ăn, uống thì sử dụng nước sạch từ công trình về. Ông nói: “Hệ thống lọc thô này chi phí gần 6,5 triệu đồng, tôi ủng hộ trường 2,5 triệu đồng, nhờ vậy, nhà trường tiết kiệm rất nhiều tiền nước sạch hằng tháng”.
Đường ống, van nước... hư hỏng đều được ông Bảnh tự sửa chữa, khắc phục. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Ông Ao Thiên Thái, Trưởng thôn Hòa Thuận cho biết: “Ông Bảnh đã giúp gần 500 hộ dân thôn Hòa Thuận có nước sạch sử dụng, tuy nhiên nguồn nước ngầm dần cạn kiệt, một số người dân vẫn chưa tiếp cận nguồn nước sạch, do vậy mong các cấp, ngành quan tâm tiếp tục tìm nguồn nước dẫn về cho dân”.
Ông Bảnh chia sẻ: “Về lâu dài thôn Hòa Thuận và cả xã Tịnh Hòa vẫn cần công trình cấp nước lớn đủ cung cấp nước sạch cho toàn dân". Theo ông, nếu lấy nước từ sông Trà Khúc cung cấp đầu vào cho nhà máy cấp thoát nước xử lý và đưa nước sạch về cho dân thì hiệu quả lâu dài, bền vững hơn.