Với trường hợp trên, thường người dùng sẽ nhập lại mật khẩu để vào Facebook nhưng đa phần chọn cách khác là “Quên mật khẩu” và sẽ có nhiều cách chọn lựa như xác thực qua email, qua số điện thoại đăng ký…
Nhưng lần này Facebook đòi xác thực qua một thiết bị khác (trường hợp người dùng dùng một tài khoản trên nhiều thiết bị) đã gây khó cho người chỉ dùng Facebook trên một thiết bị duy nhất; Email cũng không xác thực được việc đăng nhập lại Facebook; Hay Facebook thông báo gởi mã đăng nhập về ứng dụng WhatsApp chứ không phải số di động đã đăng ký, điều này gây khó khăn cho người dùng vì không phải ai cũng xài ứng dụng này.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia Việt Nam, căn bản Facebook đã được khôi phục nhưng người dùng cần hết sức cảnh giác với các dịch vụ "ăn theo" mà mục tiêu không gì khác ngoài lừa đảo, tấn công người dùng.
“Thông thường, tin tặc sẽ rất "nhạy cảm" với các sự kiện kiểu như này, sẽ có nhiều hình thức ăn theo như "hướng dẫn đăng nhập Facebook khi gặp lỗi", "cách khôi phục mật khẩu nhanh nhất"... được đưa ra. Nếu không cảnh giác, người dùng có thể làm theo hướng dẫn và truy cập vào các website lừa đảo, từ đó bị mất thông tin tài khoản, mật khẩu”, ông Vũ Ngọc Sơn chia sẻ.
Để phòng tránh kẻ gian lợi dụng, người dùng cần bình tĩnh, không vội vàng tìm cách đăng nhập trở lại hay khôi phục mật khẩu ngay mà nên đợi để nhà cung cấp dịch vụ đưa ra các thông báo giải quyết sự cố.