Người dựng bản làng dưới rặng Trường Sơn

Bên núi Pa Tằng dưới rặng Trường Sơn, bản Cây Bông (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã tròn 43 năm tuổi. Bản do già làng Hồ Văn Pan dựng lên, hôm nay trở thành bản văn hóa, cũng là nơi định cư cho hàng ngàn đồng bào Vân Kiều.

Băng rừng tìm vùng đất mới

Năm nay 75 tuổi, già Pan được mọi người trong bản tôn vinh là già làng có uy tín, là người từ Quảng Trị ra khai khẩn bản làng mới cho người Vân Kiều. Trong căn nhà khang trang bên núi, già Hồ Văn Pan kể: “Năm 1980, vùng đất ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) thường gánh chịu lũ quét. Cha mình trước khi mất nói, con phải tìm cho được vùng đất Cây Bông trong truyền thuyết của người Vân Kiều để dựng bản mới. Cây Bông là vùng có suối, đất có thể làm lúa, đồi có thể trồng rừng, chăn nuôi, không bị lũ quét”.

Năm 1980, già Hồ Văn Pan lúc ấy 30 tuổi, dẫn theo vợ cùng một số chàng trai khỏe nhất vùng băng rừng tìm đất. Ra đến núi Pa Tằng, đường sá đi lại khó khăn, nhưng nguồn nước, đất đai có chỗ làm được lúa, có bãi chăn thả gia súc, có đồi trồng rừng. “Mất 3 tháng tìm đất, cải tạo chừng một năm, rồi dựng lên 15 nóc nhà. Dần dà, bà con Vân Kiều ở Quảng Trị kéo ra, dựng thêm hơn 50 nóc mới. Mình chia đất cho dân bản, cải tạo từng mảnh vườn, từng mớ cỏ, biến đất hoang trồng lúa nước, biến vùng không người ở thành bản làng. Từ đó, xin trời đất lập bản Cây Bông như cha mình từng mong ước. Huyện cho nhập bản Cây Bông vào xã Kim Thủy”, già Pan kể.

Già làng Hồ Văn Pan (bìa phải) ở bản Cây Bông, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình

Già làng Hồ Văn Pan (bìa phải) ở bản Cây Bông, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình

Lập được bản, già Hồ Văn Pan đi về xã, xuống huyện xin dựng điểm trường, xin thầy cô giáo để mở lớp dạy học cho con em Vân Kiều. Chưa hết, thấy cứ đến mùa hạn lại thiếu nước, năm 1982, già Pan lại về xuôi xin huyện đầu tư một đập thủy lợi giữ nước, để chống hạn mùa hè. “May sao, lúc đó khó khăn nhưng địa phương vẫn bố trí làm con đập ưng bụng dân bản. Từ cái đập đó, sản xuất thuận lợi, dân bản chuyên cần, mình nói gì bà con cũng nghe. Cũng vì thế mà trẻ con đến trường thường xuyên vì có nước cho chúng sinh hoạt”, già Pan kể.

Xóa đói giảm nghèo, xóa hủ tục lạc hậu

Trưởng bản Hồ Văn Hường cho biết: “Thành lập được bản, những năm 90 thế kỷ trước, nhu cầu vay vốn rất cần kíp. Thế là, già Pan lặn lội về xuôi, xin vay vốn chính sách. Già nói vay vốn mới có động lực làm ăn trả nợ, mới lo làm ăn thoát cảnh khó nghèo, mới chăm chút đất rừng, không bỏ bê công việc, không sa đà vào rượu chè”. Món nợ đầu tiên già Hồ Văn Pan vay Ngân hàng Chính sách huyện Lệ Thủy là 20 triệu đồng, về đầu tư mua bò giống. Từ 2 con bò đầu tiên, gia đình con cái chăm bẵm trở thành đàn gia súc lên hơn 60 con. Bà con Vân Kiều khi nhắc đến hộ gia đình già Pan thường ví von là “gia đình cự phách”.

Hồ Văn Hiếu là một thanh niên mồ côi, kinh tế khó khăn, lớn lên thường uống rượu say sưa. Già Pan bàn với vợ giúp đỡ, vận động dân bản dựng cho Hiếu chái nhà, cắt cho ít đất sản xuất. Chưa hết, già Pan đứng ra vay vốn ngân hàng chính sách 50 triệu đồng mua bò giống, mua cây giống cho Hiếu về chăn nuôi, trồng rừng. Nhờ có vốn, lại được dìu dắt, cộng thêm chí thú làm ăn, nay Hồ Văn Hiếu đã trả được nợ, dần dà có của ăn của để. Anh Hiếu kể: “Nếu không có già Pan đi vay vốn giúp đỡ thì chắc chắn kinh tế gia đình không vững, không bỏ được rượu, không có sinh kế, nay làm ăn ổn định đều nhờ công già Pan”.

Cũng hoàn cảnh tương tự Hồ Văn Hiếu, Hồ Pàn mồ côi, cuộc sống bấp bênh do vùi đầu vào rượu, không chịu đi làm. Thấy vậy, già Pan tới động viên, vận động gia đình, bà con cắt cho Pàn 2 sào lúa nước để canh tác. “Cái nghèo đeo đẳng, nhưng già Pan xuất hiện, cắt đất lúa cho làm. Mình bỏ rượu, cày cuốc chuyên cần 2 sào lúa, lo được cái ăn. Già Pan còn đi vay Ngân hàng Chính sách cho mình mượn mua bò để nuôi. Thấy mình siêng năng, già nhận làm con nuôi rồi tìm người dựng vợ cho. Đời mình vậy là sướng, không còn lạc lối”, anh Hồ Pàn tâm sự.

Già Pan không chỉ dựng bản mà còn góp phần xây dựng cả lề lối sống cho dân bản. Già nói: “Người Vân Kiều vốn hay uống rượu. Uống đến mức nghèo đói, lạc hậu. Vậy nên mình phải tìm cách đả thông tư tưởng. Khó có thể cấm, nhưng muốn uống rượu phải biết làm việc cho gia đình và bản làng”. Nói là làm, những ai nát rượu, già Pan đều mời về nhà họp rồi khuyên bảo. Những trai trẻ, già cắt đất cho, hoặc vận động dân bản chia sẻ đất đai cùng làm ăn. Những hộ khó khăn, già đi vay vốn về đưa cho mượn để mua cây, con giống trồng trọt, chăn nuôi.

Già Pan vận động bà con sống văn minh hơn để xây dựng bản Cây Bông thành làng văn hóa. Muốn vậy, những hủ tục lạc hậu phải chấm dứt. Tục lấy nhiều vợ trong cộng đồng Vân Kiều của bản là vấn đề nhức nhối. Ông Hồ Số vốn là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, muốn lấy nhiều vợ. Vậy là già Pan khuyên bảo: “Cán bộ không thể lấy nhiều vợ. Ông lấy nhiều vợ nói gì dân cũng không nghe, dân học theo lấy nhiều vợ rồi nghèo đói thì ai chịu trách nhiệm”. Già Pan nói ba đêm liền, Hồ Số cắt máu ăn thề không lấy thêm vợ. Từ đó hủ tục này bỏ đi. Hết hủ tục lấy nhiều vợ, già Pan mở thêm hội làng để thanh niên nam nữ Vân Kiều bản Cây Bông thề không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết.

Bây giờ bản Cây Bông đã có gần 2.000 nhân khẩu với gần 150 hộ dân. Đường nhựa chạy quanh các khu dân cư của bản, hệ thống nước sạch đến từng hộ dân, nhà cửa bà con xây hiện đại nhiều. Già Hồ Văn Pan nói: “Đó là một quá trình lao động chuyên cần của nhân dân, cùng sự giúp sức của cấp ủy chính quyền huyện, xã nên Cây Bông thoát đói, giảm nghèo, có nhiều hộ khá giả”.

Năm 2003, bản Cây Bông được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh. Riêng gia đình già Pan có 6 người con đều thành đạt, trong đó một người là Trung tá, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Làng Ho (Quảng Bình); con trai thứ là Thiếu tá quân đội làm việc ở Quảng Trị; 4 con gái thì 2 người làm giáo viên, một làm kế toán ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), một người con làm y tá xã nhà.

“Nói đến gia đình già Pan, không chỉ bản Cây Bông mà 15 bản khác trong xã Kim Thủy đều biết đến tài đức của gia đình cụ. Vay được vốn ngân hàng, trả gốc và lãi đúng hẹn, làm ăn tấn tới, cụ còn bày cho dân bản cách làm thủ tục để vay nhanh, phục vụ sản xuất lao động”, ông Đặng Đại Ngôn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách huyện Lệ Thủy, cho biết.

Tin cùng chuyên mục