Trong khi một phần số tiền cũ này nằm trong tay những người Đức, hoặc những nhà sưu tập hoài cổ, một phần khác có thể được dùng làm quà lưu niệm được khách du lịch thế giới mang về nước trong nhiều năm qua, các chuyên gia cho rằng, các quốc gia từng sử dụng DM làm đồng tiền dự trữ vẫn đang nắm giữ một ít. Trong số 162,3 tỷ DM lưu hành vào năm 2002, hơn một nửa số tiền này đã không trở về nước Đức trong 2 thập niên qua.
Theo Bundesbank (Ngân hàng Trung ương Đức), vào cuối năm 2023, có 12,24 tỷ DM vẫn đang được lưu hành ở Đức, gồm 5,68 tỷ DM tiền giấy và 6,56 tỷ DM tiền xu. Ngay cả đối với nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), đây là một khoản tiền đáng kể đang nằm im, đặc biệt là vào thời điểm chính phủ đang tìm kiếm nguồn tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng như chuyển đổi năng lượng xanh và nâng cấp đường sắt quan trọng cho tương lai kinh tế của nước này. Bundesbank vẫn luôn sẵn sàng đổi tiền DM sang EUR cho ai có nhu cầu tại các chi nhánh Bundesbank với bất kỳ số lượng nào. Tỷ giá hối đoái được cố định ở mức 1 EUR = 1,95583 DM và dịch vụ này miễn phí.
Năm 2023, hơn 90.000 người đã quy đổi hơn 53 triệu DM lấy 27 triệu EUR, tăng so với năm 2022. Trong đó, 2/3 giá trị là tiền giấy, 1/3 là tiền xu. Điều quan trọng là Bundesbank đảm bảo với mọi người rằng, không có kế hoạch ngừng dịch vụ này. Các quốc gia khác sử dụng EUR chỉ cung cấp một cơ hội hạn chế cho việc trao đổi tiền. Ở Pháp, bất kỳ người tích trữ đồng Franc nào cũng có thời hạn muộn nhất là đến ngày 31-3-2008 để đổi tiền. Hy Lạp hào phóng hơn một chút và cho mọi người thời hạn đến tháng 3-2012 để đổi Drachma của họ. May mắn thay, đối với người Đức, không có gì phải vội vàng, nhất là khi còn không ít người vẫn nuối tiếc kỷ niệm cũ.
Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu thị trường Forsa, vào năm 2021, bất chấp sự gia tăng trong thanh toán không dùng tiền mặt, tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán hàng ngày được sử dụng thường xuyên nhất ở Đức với 58% hàng hóa và dịch vụ được mua bằng tiền mặt. Đặc biệt, du khách tới Đức còn có thể tìm kiếm tờ tiền ngàn tỷ DM được in vào thời kỳ siêu lạm phát ở Cộng hòa Weimar (Đức, 1921-1923). Đó là cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng với đặc điểm là lạm phát cực kỳ nhanh. Nguyên nhân là do các yếu tố như bồi thường chiến tranh, in tiền quá mức và nền kinh tế sụp đổ.
Những tờ tiền giấy DM có mệnh giá cực cao dưới dạng đồ sưu tầm hoặc hiện vật lịch sử. Chúng đóng vai trò như lời nhắc nhở về thời kỳ siêu lạm phát. Tờ 100 ngàn tỷ DM được đặc biệt săn đón do ý nghĩa lịch sử của chúng. Đó là một trong những món quà lưu niệm Berlin đáng giá nhất. DM cũng nhắc nhở người dân Đức cũng như du khách về các chặng đường lịch sử của nước Đức từ những năm đầu thế kỷ 20 đến khi thống nhất nước Đức năm 1991 và khi Đức gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu, chấm dứt sứ mạng của DM.