Kết quả thăm dò thời gian gần đây cho thấy lạm phát đang là một trong những nỗi lo hàng đầu của người Đức dù kinh tế nước này có dấu hiệu hồi phục. Theo Ngân hàng Trung ương Đức, dự báo tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế số 1 châu Âu trong năm nay ở mức trung bình 5%, vượt xa mức kỳ vọng 3,3% mà Chính phủ Đức đề ra. Chỉ số giá sản xuất ở Đức cũng tăng gần 26% so với cùng kỳ tháng 2 năm 2021. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 1949, báo hiệu lạm phát giá tiêu dùng có thể còn tăng cao hơn nữa. Điều đó khiến người Đức cảm thấy bất an khi 3.000 tỷ EUR (3.300 tỷ USD) tài sản hộ gia đình Đức được giữ dưới dạng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Số tiền này thu được lợi suất thấp hoặc âm.
Giá bất động sản tại Đức vốn có chu kỳ tăng chậm hơn so với khu vực. Tuy nhiên, giá nhà đã tăng nhanh hơn trong thời gian qua. Chỉ số Europace về giá nhà ở Đức vào tháng 2-2022 cao hơn gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng mới nhất phản ánh tâm lý của người dân Đức. Chi phí xây dựng tăng lên và sự thiếu hụt nhà mới cũng là nguyên nhân dẫn đến giá nhà tăng. Hiện việc xây dựng nhà ở với khoảng 300.000 căn mỗi năm thấp hơn 25% so với mục tiêu của Chính phủ.
Người Đức không mua nhà để kiếm lợi nhuận vì chi phí giao dịch và thuế cao. Họ chọn nhà vì xu hướng muốn đảm bảo tài sản. Để ổn định thị trường bất động sản, từ lâu Chính phủ Đức đã yêu cầu siết chặt các tiêu chuẩn cho vay. Do sở hữu sẵn tiền mặt, người đi vay mua nhà tại Đức thường đặt cọc với tỷ lệ cao và chọn trả nợ khá nhanh. Việc sở hữu căn nhà ở Đức chỉ dành cho người có thu nhập trên trung bình. Theo nghiên cứu của Hiệp hội German Pfandbrief Banks (VDP), một ngôi nhà hoặc căn hộ có giá trung bình khoảng 422.000 EUR (482.000 USD). Yêu cầu đặt cọc là khoảng 84.000 EUR (91.500 USD). Dự báo từ giới bất động sản cho rằng lạm phát tăng phi mã sẽ thúc đẩy một số đợt tăng giá mới trong thời gian tới. Ở các khu phố giàu có tại Berlin và các thành phố lớn khác, giá nhà còn dự kiến tăng cao hơn.
Trước đây, người Đức lại không quan tâm mấy đến việc sở hữu nhà ở. Tỷ lệ sở hữu nhà của Đức thuộc hàng thấp nhất trong các nước phát triển và gần như “đội sổ” ở châu Âu. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế thế giới (OECD), tỷ lệ sở hữu nhà của Đức chỉ vào khoảng hơn 40%. Nhưng các hộ gia đình ở Đức tiết kiệm khoảng 10% thu nhập khả dụng của họ, cao gấp đôi so với mức bình quân trên toàn Liên minh châu Âu (EU) hay Mỹ. Tỷ lệ tiết kiệm của người Đức còn duy trì ổn định ở mức cao qua thời gian, bất chấp những tác động của khủng hoảng kinh tế hay lãi suất thay đổi.
Số liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu cho thấy, bình quân mỗi người Đức có khoảng 103 EUR tiền mặt trong ví. Từ thời Thế chiến II, sau khi Đức rơi vào cuộc khủng hoảng lần nữa kèm với việc đổi tiền, người dân nơi đây càng tiết kiệm hơn bao giờ hết. Trong khoảng năm 1950-1960, tổng giá trị số tiền tiết kiệm trong dân đã tăng gấp 10 lần. Đến ngày nay, các tài khoản tiết kiệm của ngân hàng Đức vẫn chiếm tới 37% tổng số tiền tiết kiệm trên toàn EU. Điều này cho thấy đối với người Đức, tiết kiệm không chỉ là một chiến lược kinh tế mà đã trở thành một thói quen. Đặc biệt, tiền mặt vẫn là công cụ thanh toán chủ yếu trong mua bán, cao hơn rất nhiều so với mức 45% của Hà Lan.