Người Đức chuộng xe cũ

Tình trạng khan hiếm chip và linh kiện kéo dài tại Đức khiến khách hàng phải chờ đợi xe ô tô mới rất lâu. Trước tình hình này, người dân Đức dần chuyển sang chọn mua xe cũ vì không mất nhiều thời gian. 
Khách hàng chọn mua xe cũ ở Đức
Khách hàng chọn mua xe cũ ở Đức

Trước nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, thị trường xe cũ đã có đợt tăng giá mạnh. Theo Tổ chức nghiên cứu thị trường xe hơi Đức, chỉ trong 1 năm qua, giá trung bình một chiếc xe chạy xăng đã qua sử dụng 3 năm tăng khoảng 30%, ở mức 27.900 EUR (29.800 USD)/chiếc.

Xe chạy bằng dầu diesel tăng 31,8%, ở mức 28.960 EUR (30.933 USD)/chiếc. Gần đây, Tổ chức nghiên cứu thị trường xe hơi Đức nhận thấy giá xe cũ đang dần ổn định và không tăng thêm. Theo tổ chức này, ít nhất đến năm 2023, giá cả mới có thể trở lại bình thường. 

Xu hướng mua xe cũ xuất phát từ thói quen tiết kiệm của người dân Đức. Tại nước này, dù có thu nhập cao và cuộc sống sung túc, đa phần người dân đều yêu thích việc sử dụng đồ cũ. Họ có thể vài năm không mua xe ô tô, quần áo mới hay các vật dụng trong nhà.

Thị  trường bán xe ô tô cũ vẫn phát triển, một phần do chất lượng xe được đảm bảo, một phần từ nhu cầu của người dân. Việc giao dịch thường được đăng lên mạng và thông qua các trang web mua bán có uy tín. Họ trao đổi mọi thứ qua mạng, và sẽ gặp nhau để tiến hành các thủ tục giao dịch trực tiếp  ở bước cuối cùng.

Nhu cầu mua xe cũ tăng đã gây tác động đến thị trường xe mới. Cục Cơ giới liên bang Đức cho biết, trong tháng 5, lượng đăng ký xe mới tại nước này đã giảm 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 207.199 ô tô. Trước đó, lượng đăng ký mới cũng giảm 21,5% trong tháng 4-2022, và 17,5% trong tháng 3-2022.

Theo Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức, thị trường và sản lượng ô tô tiếp tục bị thu hẹp do thiếu các sản phẩm sơ cấp, trung cấp, giá nguyên liệu thô cao và sự bất ổn do tình hình căng thẳng tại Ukraine. Nhà phân tích của Công ty kiểm toán EY, ông Peter Fuss, cho biết, vào năm ngoái, ngành công nghiệp ô tô mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng sản xuất tồi tệ nhất thời hậu chiến do vấn đề về nguồn cung.

Vấn đề này vẫn chưa được giải quyết trong những tháng gần đây, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Trung Quốc. Việc khan hiếm các linh kiện chủ chốt từ Ukraine cũng như các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt đối với Nga càng gây thêm sức ép cho chuỗi cung ứng vốn đã rất khó khăn.

Theo số liệu của Cục Cơ giới liên bang Đức, trong 5 tháng đầu năm, thị trường Đức ghi nhận có 1 triệu xe đăng ký mới, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 33% so với năm 2019. Sản xuất trong nước tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng so với năm 2019, sản lượng trong 

5 tháng đầu năm nay thấp hơn 34%. Tuy nhiên, doanh số bán xe điện vẫn đạt số liệu tích cực, với doanh số bán hàng tăng 8,9% trong tháng 5, chiếm 14,1% số lượng đăng ký mới, trong bối cảnh doanh số xe chạy bằng xăng và dầu diesel giảm mạnh. Trong số các thương hiệu xe Đức, Mercedes có số đăng ký tăng mạnh nhất - với 23,4%, và thị phần đăng ký mới là 8,7%.

Đối với các thương hiệu xe Đức khác, số lượng đăng ký mới giảm mạnh, trong đó Smart giảm 42%, Volkswagen giảm 14,3%, BMW giảm 12,8%, Audi giảm 12,3%, Porsche giảm 7,5%.

Tin cùng chuyên mục