Hang động Việt được tôn vinh toàn cầu
Ngày nay, hệ thống hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng và vùng phụ cận đã được tìm kiếm là 425 hang động, thuộc 7 hệ thống hang khác nhau. Bao gồm hệ thống hang Phong Nha, Nước Moọc, Vòm, Cha Lo, Tú Làn, Quảng Ninh, Lâm Hóa. Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết: “Đã có 389 hang động được đo vẽ thành công bởi đội tìm kiếm hang động Hoàng gia Anh với tổng chiều dài 243km. Việc đo vẽ 243km hang động được kéo dài hàng chục năm. Bên trong các hang động đều ghi nhận cảnh quan tráng lệ, có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu thám hiểm, đóng góp hết sức to lớn trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, tạo sinh kế cho người dân bản địa phát triển du lịch một cách bền vững”.
Ông Howard Limbert đánh giá: “Đây là nơi hiếm hoi của hành tinh có hang động lớn nhất thế giới là Sơn Đoòng, hang Én lớn thứ 3 thế giới, hang Người Lùn cổ lớn thứ 4 thế giới. Đó là một nơi mà giá trị toàn cầu của hang động là ngoại hạng, nâng tầm cho hình ảnh Việt Nam với thế giới”.
Để minh chứng sự hấp dẫn của hệ thống hang động này, ông Phạm Hồng Thái chia sẻ: “Tạp chí National Geographic của Hoa Kỳ đã có 4 dự án vinh danh Sơn Đoòng (một phần của mê cung 243km) trên toàn cầu, một điều chưa bao giờ có trong lịch sử tạp chí này. National Geographic đã làm phim, cử nhiếp ảnh gia hàng đầu và các cây viết nổi tiếng đến Sơn Đoòng làm việc, bởi lẽ họ xem việc phát hiện hang động này như một phát kiến lớn của thế kỷ 21. Bộ phim tài liệu dài hơn 45 phút phát đi 200 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện đang cuốn hút độc giả trên trang web của tạp chí và các nền tảng mạng xã hội cho thấy điều đó. BBC đang hoàn thiện một bộ phim tài liệu về sự phi thường của hệ thống hang động nơi đây để công chiếu với thế giới vào cuối năm 2023”.
“Điều đặc biệt ở Phong Nha - Kẻ Bàng là hệ thống hang động và địa chất núi đá vôi phân tầng, có những hang động được phân lên 7 tầng hết sức kỳ vĩ. Trong thời gian làm việc ở đây, chúng tôi chỉ mới khám phá được 30% địa chất địa mạo nơi này, vì vậy vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn cần khám phá trong thời gian tới”, ông Howard Limbert đánh giá. Chính vì còn 70% diện tích núi đá vôi chưa được khám phá nên ông Howard Limbert đã cùng vợ làm đơn nhập quốc tịch Việt Nam, chọn thị trấn Phong Nha là nơi ở lại đến cuối đời để mong muốn khám phá những điều bí ẩn hang động của di sản này.
Thay đổi cuộc sống người dân
Phát biểu tại Hội thảo 20 năm di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng được tổ chức tại Đồng Hới (Quảng Bình) vào ngày 30-6-2023, ông Howard Limbert nêu: “32 năm tìm kiếm hang động ở đây, tôi thấy cuộc sống người dân thay đổi tích cực. Tỉnh Quảng Bình hiện là điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất Việt Nam và là điểm đến thứ 3 về du lịch. Các hang động đã làm thay đổi cuộc sống của những người dân nghèo, người làm hướng dẫn viên và khuân vác trong các tour du lịch mạo hiểm ở đây nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới”.
Ngày nay nhìn lại, từ hình ảnh đầu tiên của làng Phong Nha năm 1991 là mái nhà người dân lợp tranh, bây giờ ngôi làng ấy đã là thị trấn, khách sạn, nhà hàng san sát. Cả vùng Phong Nha, Xuân Trạch, Phúc Trạch, Phú Định… có khoảng 20.000 người được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ công trạng khám phá hang động, trong đó có công của Hồ Khanh và Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh.
Bảo tồn, khai thác bền vững di sản Phong Nha - Kẻ Bàng
Ngày 30-6, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ VH-TT-DL tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị Di sản thế giới Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 20 năm Ngày VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới (5-7-2003 - 5-7-2023).
Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, hội thảo là dịp để các đại biểu đưa ra ý tưởng, giải pháp, đề xuất chính sách nâng cao hiệu quả công tác quản trị di sản, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản để phát triển bền vững. Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cam kết và khẳng định sẽ làm hết sức mình để bảo tồn, khai thác di sản một cách hợp lý, hiệu quả, bền vững, đúng pháp luật, tuân thủ Công ước quốc tế; hợp tác chặt chẽ với VQG Hin Nậm Nô, tỉnh Khăm Muộn (Lào) để phát triển quần thể danh thắng, du lịch độc đáo của khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Ông Hồ Bằng Nguyên, vốn là một người từng tác động tiêu cực vào rừng di sản Phong Nha - Kẻ Bàng, từ khi khuân vác gùi thồ cho các đoàn khách đi thám hiểm các hang động, cuộc sống của ông ổn định hơn. Ông kể: “10 năm làm khuân vác, cuộc sống có lương ổn định, con cái được đi học. Chúng còn học ngoại ngữ và trở thành phiên dịch cho các công ty du lịch trong vùng”.
Còn ông Hồ Khanh lại khoe: “Ba đứa con, trước đây không thể ra khỏi làng vì nghèo khó. Từ khi tôi có việc làm ổn định nhờ hang động, cả 3 đứa được học hành. Đứa gái lớn lấy chồng nhưng nay tôi cho quản lý khu nghỉ dưỡng nhỏ của gia đình bên sông Son, có lương nuôi cháu. Đứa trai thứ học quản trị kinh doanh ở Hà Nội, biết tiếng Anh, sắp tới đi du học Đức để sau này tính chuyện làm ăn chuyên nghiệp hơn. Đứa út đang học năm cuối đại học cũng tính về quê làm trong các công ty du lịch. Hang động đã cho dân chúng tôi thoát nghèo là vậy”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong, đánh giá: “Nhờ hang động mà người dân trong khu vực làm du lịch, thay đổi tư duy tích cực bảo vệ di sản. Trong tương lai, địa phương sẽ chú trọng thêm về đồng bào thiểu số như A Rem, Rục, Mã Liềng, Khàu, Mày thuộc di sản Phong Nha - Kẻ Bàng và vùng đệm về phát triển bền vững. Bởi họ là một phần của hệ thống hang động và cũng là linh hồn văn hóa núi rừng di sản xanh nơi này”.
Người dẫn đường
30 năm qua, năm nào ông Hồ Khanh cũng “cơm đùm gạo bới” vào rừng để tìm kiếm hang động. Có lối đi nào mới, hang động nào chưa phát hiện, ông đều đánh dấu, ghi chép lại rồi báo cho đội tìm kiếm hang động Hoàng gia Anh do ông Howard Limbert làm đội trưởng đi thám hiểm, đo vẽ và công bố với thế giới. Người đàn ông sinh năm 1960 đã dẫn đoàn tìm kiếm hang động Hoàng gia Anh tìm ra hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới vào năm 2009. Năm 2013, khi tour mạo hiểm Sơn Đoòng được khai thác, ông Khanh trở thành quản lý hơn 200 porter (người gùi thồ) đưa các đoàn khách, đoàn làm phim, hãng thông tấn nước ngoài thám hiểm hang động lớn nhất thế giới trên chính quê hương mình.
Từ BBC đến Kyodo, từ hãng NHK đến National Geographic, từ hãng tin ABC đến các hãng phim bom tấn Hollywood, từ truyền hình Brazil đến truyền hình Hồng Công... làm phim về Sơn Đoòng đều tìm đến Hồ Khanh, muốn có Hồ Khanh dẫn đường. Theo ông Howard Limbert: “Hồ Khanh như một sự may mắn. Với chúng tôi, chuyến đi nào có Hồ Khanh đều có hang mới độc đáo. Với các hãng phim, ghi danh Hồ Khanh vào chương trình làm việc là một vinh dự, một sự hãnh diện về bảo chứng điều đó”.
Cho đến nay Hồ Khanh đã tìm kiếm được hơn 100 hang động lớn nhỏ. Ngoài tên hang Sơn Đoòng, Hồ Khanh còn đặt tên các hang động khác như Thái Hòa, hang Phong, hang Hùng, hang Khanh, hang Long, Vực Cá Thau… Theo giải thích, Thái Hòa tên con gái của ông; còn Vực Cá Thau là vùng đất tự nhiên, thung lũng đẹp. Các tên khác đều là tên bạn của ông, hoặc tên bố mẹ ông như một sự ghi nhớ về đấng sinh thành. Ông Howard Limbert nói: “Chúng tôi tôn trọng Hồ Khanh, tôn trọng sự am tường bản địa nên giành quyền đặt tên nhiều hang động cho Hồ Khanh. Chỉ những người am tường bản địa mới có thể khái quát được vùng đất, khu rừng nơi mà chúng tôi chưa hề biết đến”.